Ngân hàng TMCP An Bình: Tăng trưởng tín dụng âm, nợ xấu tăng

Sáng 01/8, ABBank công bố Báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2024 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ghi nhận nhiều chỉ số tài chính tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của Ngân hàng này đạt 151.990 tỷ đồng, giảm 6,2% so với đầu năm. Nguyên nhân chính của mức tăng trưởng âm này là cho vay khách hàng và đầu tư chứng khoán của ABBank 6 tháng đầu năm sụt giảm. Ước tính, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ABBank là âm 7%. Trong đó, cho vay khách hàng giảm tới 7,2%.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) vượt mức 3%. Tuy nhiên, theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, nếu áp dụng cách tính theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng này tính đến ngày 30/6 là 2,61%.

Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ABBank tại thời điểm 30/6 là 1.392 tỷ đồng, tăng 34,5% so với đầu năm. Chưa kể, phần lãi, phí phải thu tăng 23,4% so với đầu năm lên 1.791 tỷ đồng; Lãi cho vay và phí phải thu nhưng chưa thu hồi được hạch toán ngoại bảng là 1.116 tỷ đồng, tăng 9,5%.

Ở chiều huy động vốn, tiền gửi khách hàng cũng giảm sút. Tính tới cuối tháng 6/2024, lượng tiền gửi của khách hàng tại ABBank đạt 85.523 tỷ đồng, giảm 14,5% so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Nhà băng này đạt 7%, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ CASA trung bình toàn ngành là khoảng 21%, thậm chí thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2015-2020 là 15%-17%. 

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, với tỷ lệ CASA thấp, Ngân hàng có nguy cơ phải dựa nhiều vào vốn từ các nguồn khác nhau để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Tỷ lệ CASA thấp cũng có thể tăng nguy cơ rủi ro tài chính do biến động của thị trường.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, ABBank lãi trước thuế 558 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, Nhà băng này đã “co giảm” đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, từ 815 tỷ đồng 6 tháng năm 2023 xuống còn 640 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2024, giảm 21,5% nhưng cũng không thể giúp nâng lợi nhuận của Ngân hàng lên bằng cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về kết quả kinh doanh tăng trưởng âm này, đại diện ABBank cho biết, nguyên nhân là hoạt động dịch vụ giảm 33%, khoản mua bán chứng khoán đầu tư giảm 135%. Đáng chú ý, với hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, Nhà băng này đã bỏ ra chi phí 50,4 tỷ đồng để mua chứng khoán, nhưng bán thu về chỉ có 18 tỷ đồng. Tương tự, khoản kinh doanh chứng khoán (ngắn hạn) cũng lỗ 155 triệu đồng.

Hồi đầu tháng 4, tại Đại hội đồng cổ đông ABBank, lãnh đạo Ngân hàng cũng đã có những “thanh minh” về nguyên nhân kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt chỉ tiêu, cụ thể do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao.

Ngoài ra, trong năm qua, ABBank cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động... Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân đến từ công tác dự báo, lập kế hoạch chưa sát thực tế.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn