Ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ngóng hướng dẫn về bancasurance

Từ ngày 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã chính thức có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý, về các hành vi bị nghiêm cấm, khoản 5 Điều 15 quy định, cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nội dung quy định cấm "gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức" chưa rõ ràng, gây hoang mang cho khách hàng và khó khăn trong việc áp dụng triển khai sản phẩm đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho biết, hiện tại với quy định này mỗi tổ chức tín dụng hiểu một cách khác nhau, khách hàng cũng hiểu khác nhau. Có ngân hàng thì hiểu chỉ những dịch vụ bảo hiểm tăng giá trị gia tăng như bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng không được phép bán kèm theo hợp đồng tín dụng, còn các loại bảo hiểm bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng và người vay thì vẫn triển khai bình thường. Nhưng ngược lại, có ngân hàng lại hiểu là Luật quy định cấm toàn bộ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, nên để đảm bảo an toàn nhiều ngân hàng quyết định dừng bán bảo hiểm cho các đại lý.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 133 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Hai quy định như trên dẫn đến cách hiểu không đồng nhất.

Theo bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Bảo hiểm VietinBank, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã quy định ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng quy định rõ đại lý bảo hiểm là các tổ chức tín dụng được phép chào bán, giới thiệu, tư vấn, thậm chí hỗ trợ khách hàng thu thập tài liệu để bồi thường. Tuy nhiên, điều bị cấm dùng câu chữ như trên dẫn đến cách hiểu không đồng nhất.

“Chỉ riêng 2 ngày đầu tiên trong tháng 7, doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng giảm tới 50% vì nhiều chi nhánh ngân hàng tạm dừng bán bảo hiểm cho đại lý khi nào có hướng dẫn cụ thể từ Luật nếu được phép thực hiện nghiệp vụ này thì họ mới tiếp tục”, bà Xuân cho biết.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) nói rằng, quy định tại khoản 5 Điều 15 là quy định hoàn toàn mới trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 và hiện chưa có văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, do đó, có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về việc thế nào là “gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”.

Theo ông An, xem xét bối cảnh ban hành luật có thể hiểu, mục đích của quy định này là nhằm đảm bảo việc tư vấn bán bảo hiểm của tổ chức tín dụng với tư cách là đại lý bảo hiểm phải được thực hiện một cách độc lập, minh bạch, rõ ràng, trên cơ sở tự nguyện của khách hàng, không phải là điều kiện bắt buộc để được cấp tín dụng hay cung cấp bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào khác của Ngân hàng. Tuy nhiên, những quy định mới cũng sẽ làm gia tăng thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm, như làm gia tăng chi phí bán hàng để triển khai các cách thức phân phối khác, phải tăng cường chất lượng của kênh bancassurance và gia tăng cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm để thu hút khách hàng thông qua kênh nancassurance, có thể tạo ra áp lực về phí và chất lượng dịch vụ bảo hiểm…

Đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật, ông Trần Hoài An kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn luật cũng như nội dung cấm trên.

"Trong đó, hướng dẫn cụ thể việc gắn kèm thế nào, nghiêm cấm thế nào. Những nội dung cấm chúng tôi thực hiện, tuân thủ đúng chứ không có chuyện chờ hướng dẫn để lách", ông An nêu rõ.

Theo chia sẻ của đại diện Bảo hiểm Agribank, Bảo hiểm Vietinbank và Bảo hiểm BIDV, trong 10 năm qua, 3 công ty này đã chỉ trả bồi thường hơn 20.000 tỷ đồng cho các khách hàng gặp rủi ro. Trong số này phần lớn là các khách hàng vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Nếu không có khoản tiền bảo hiểm bồi thường thì khoản nợ đó sẽ là gánh nặng lớn cho khách hàng, về phía ngân hàng chịu áp lực nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn