Ngân hàng vẫn “loay hoay” tìm công cụ xử lý nợ xấu
Nguy cơ nợ xấu tăng khi Thông tư 02 không được gia hạn
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính các ngân hàng, tính đến hết quý 3/2024, nợ xấu toàn hệ thống đã đạt mức 252.000 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 30,3% so với đầu năm.
Chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Tín dụng được giải ngân trong thời gian ngắn, chủ yếu tăng mạnh ở nhóm kinh doanh bất động sản vốn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ không có nhiều lợi thế trong việc lựa chọn khách hàng nên tệp khách hàng thường là nhóm có năng lực tài chính kém, khả năng phục hồi chậm hơn so với những nhóm đối tượng khác.
Định hướng năm 2025, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. Qua đó tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. |
Theo SHS, tỷ lệ nợ xấu tăng, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm cho thấy chất lượng tài sản toàn hệ thống đang suy giảm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu còn 83% trong quý 3/2024, giảm mạnh so với mức đỉnh (143,2%) của quý 3/2022. SHS dự báo, tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ xấu sẽ cải thiện hơn vào thời điểm cuối năm khi các ngân hàng thường tập trung sử dụng trích lập dự phòng để xóa nợ xấu.
Không những thế, Thông tư 02/2023/TT-NHNN (được kéo dài bởi Thông tư 06/2024-TT/NHNN) về tái cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 và khả năng không được gia hạn có thể sẽ khiến nợ xấu tăng lên. Theo SHS, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không gia hạn Thông tư 02 có thể làm tăng quy mô nợ xấu và giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhưng không ảnh hưởng đến trích lập dự phòng của ngân hàng.
Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ có tác động khác nhau đối với từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản lành mạnh như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB... sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ sở hữu bộ đệm dự phòng vững chắc và sức khỏe tài chính tốt. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2 cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Cần nâng cao trách nhiệm người đi vay
Không chỉ vậy, những khó khăn trong thu hồi nợ cũng khiến các TCTD phải đối mặt nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các TCTD đang phải đối mặt với các rủi ro nợ xấu tiềm ẩn trong bối cảnh Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực. Điều này gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ vì các TCTD không còn quyền thu giữ tài sản của khách hàng trong khi nhiều khách hàng cố tình không trả nợ. Bên cạnh đó, việc không có sự hợp tác từ phía khách hàng và sự thiếu hỗ trợ từ các cơ quan chức năng đã ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng.
Hiện nhiều ngân hàng đang tiếp tục rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Mới đây, VietinBank chi nhánh Hà Giang đã thông báo về việc lựa chọn tổ chức định giá khoản nợ của Công ty TNHH Trung Linh Phát gồm 9 nhà đất và tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình. Trước đó, hồi tháng 10/2024, MSB cũng công bố bán đấu giá 4 tài sản của công ty này.
BIDV cũng đã lần thứ 3 rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài nguyên. Ngân hàng cho biết tài sản đảm bảo cho khoản nợ hơn 5.700 tỷ đồng này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất…
Tuy nhiên, cũng như thời gian vài năm trở lại đây, việc rao bán tài sản đảm bảo của các TCTD vẫn khó thực hiện. Có những tài sản thông báo thanh lý tới hàng chục lần, nhiều tài sản đã giảm mạnh giá trị đấu giá nhưng vẫn chưa thể giao dịch thành công. Tình trạng này xảy ra từ các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa cho đến các “ông lớn”.
Một trong những giải pháp được ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất là việc tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Ông Hùng nhấn mạnh, nếu không có cơ chế pháp lý rõ ràng, việc xử lý nợ xấu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái cơ cấu và ổn định tài chính của các TCTD.
Bên cạnh đó, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cũng cho rằng Chính phủ cần xây dựng cơ chế và quy định phù hợp để xử lý nợ xấu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm. Các TCTD cần được hỗ trợ về cơ sở pháp lý để giải quyết những vướng mắc trong việc xử lý tài sản, qua đó tối đa hóa khả năng thu hồi nợ xấu phát sinh.
Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Phá sản 2014. Mục tiêu là nâng cao trách nhiệm dân sự đối với những người vay và tạo điều kiện cho việc phá sản đối với các doanh nghiệp yếu kém không còn khả năng phục hồi, từ đó giảm gánh nặng cho nền kinh tế.
Trước đó, các chuyên gia tài chính cũng đã nhiều lần đề nghị cần xây dựng thị trường mua bán nợ xấu một cách chuyên nghiệp hơn với sự tham gia của các tổ chức định giá uy tín cùng môi trường pháp lý đảm bảo cho các giao dịch được thông suốt.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn