Ngân hàng Việt và tham vọng hình thành tập đoàn tài chính

Tham vọng về tập đoàn tài chính

Mùa ĐHĐCĐ thường niên 2025 của các ngân hàng đã đi đến hồi kết. Bên cạnh những câu chuyện quen thuộc như chia cổ tức, tăng vốn, mùa đại hội năm nay "nóng" hơn bao giờ hết với những vấn đề thời sự như thuế quan và nổi bật hơn cả là tham vọng xây dựng tập đoàn tài chính của một số ngân hàng.

Tại kỳ đại hội vừa qua, HDBank đã chính thức công bố chiến lược phát triển HD Financial Group, bao gồm các đơn vị thành viên là HDBank – ngân hàng thương mại chủ lực, Vikki Digital Bank – ngân hàng số thế hệ mới, HD SAISON – tài chính tiêu dùng, HD Securities – chứng khoán, HD Insurance – bảo hiểm, HD Capital – quản lý quỹ và Đông Á Money Transfer – dịch vụ kiều hối.

“Thay vì vận hành riêng lẻ và thiếu sự kết nối, mô hình tổ chức mới theo các mảng kinh doanh giúp tích hợp đa dạng dịch vụ như ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư, ngân hàng số và nhiều mảng khác, tạo thành một hệ sinh thái tài chính liền mạch, lấy khách hàng làm trung tâm.

"Việc ra đời của Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển, mở ra một chương mới với hợp lực, sáng tạo và tài chính bao trùm. Đây là bước chuyển mình tiếp nối một thập kỷ tăng trưởng bền vững, xây dựng trên nền tảng quản trị rủi ro hiệu quả và chiến lược phát triển rõ ràng của HDBank”, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank, khẳng định.

VPBank sẽ thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ và mua lại công ty quản lý quỹ.

VPBank cũng đang tham gia mạnh mẽ vào xu hướng này khi quyết định thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và mua lại công ty quản lý quỹ. Dự kiến, mỗi công ty sẽ có vốn điều lệ lên tới 2.000 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu tối đa 100% thuộc về VPBank và các bên liên quan.

Ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là một bước đi chiến lược, đánh dấu quá trình xây dựng một tập đoàn tài chính toàn diện trong tương lai.

“Hiện VPBank đã có các công ty thành viên trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, chứng khoán và bảo hiểm phi nhân thọ. Hai mảnh ghép còn thiếu là bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ. Ngân hàng đặt mục tiêu bổ sung hai mảng này càng sớm càng tốt”, ông Quân nói.

Hay như Techcombank, sau khi chấm dứt hợp tác với Manulife, ngân hàng này đã từng bước mở rộng mảng bảo hiểm như một phần trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện.

Tháng 10/2024, ngân hàng đã góp vốn thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Đến ngày 20/3, HĐQT Techcombank đã thông qua nghị quyết góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife) với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2024, Techcombank cũng đã ra mắt thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ TechcomInsurance với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Những năm gần đây, MB cũng tự xưng là MB Group bởi hệ sinh thái đa dạng của mình. Hiện các công ty con của MB bao gồm công ty mua bán nợ MB AMC, công ty chứng khoán MBS, công ty quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital), Công ty Cổ phần Bảo hiểm quân đội (MIC), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei và thêm ngân hàng mới được chuyển giao bắt buộc OceanBank (nay là MBV).

Lãnh đạo MB từng khẳng định hiện hệ sinh thái của ngân hàng là tập đoàn tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính từ chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bảo hiểm và tài chính tiêu dùng, tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất ngành tài chính - ngân hàng.

Xu thế không thể đảo ngược?

Mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng thường lấy một ngân hàng thương mại quy mô lớn làm hạt nhân trung tâm, liên kết và kiểm soát các doanh nghiệp vệ tinh thông qua việc nắm giữ cổ phần, cấp tín dụng và điều phối nhân sự.

Hình thức tổ chức phổ biến là công ty mẹ – công ty con, trong đó mỗi đơn vị đều có tư cách pháp nhân riêng, sở hữu tài sản và bộ máy quản trị độc lập. Các giao dịch giữa ngân hàng mẹ và công ty con, cũng như giữa các công ty con trong tập đoàn, được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, như những giao dịch với bên ngoài.

Thực tế, việc hình thành mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng đã được manh nha từ lâu. Cùng với nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, các ngân hàng tìm hướng mở rộng hệ sinh thái từ bán bảo hiểm đến chứng khoán, tư vấn và phát hành trái phiếu... đổi từ mô hình ngân hàng thương mại sang tập đoàn tài chính - ngân hàng.

Việc mở rộng mô hình hoạt động không chỉ giúp ngân hàng nâng cao sức cạnh tranh mà còn tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo giới phân tích, việc mở rộng mô hình hoạt động không chỉ giúp ngân hàng nâng cao sức cạnh tranh mà còn tối ưu hóa lợi nhuận. Trong bối cảnh hoạt động tín dụng, nhất là tín dụng tiêu dùng, đang dần có biên lợi nhuận thấp thì các lĩnh vực khác như bảo hiểm, chứng khoán, tài chính tiêu dùng, fintech mang đến cơ hội sinh lời cao hơn.

Việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính với sự kết hợp của các mảng này sẽ không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ nhiều nguồn khác nhau mà còn giảm thiểu rủi ro do sự phụ thuộc vào một mảng kinh doanh duy nhất.

Việc phát triển thành một tập đoàn tài chính cho phép các ngân hàng xây dựng một hệ sinh thái khép kín, từ đó cung cấp cho khách hàng toàn diện các sản phẩm tài chính, từ vay vốn, bảo hiểm, đầu tư đến các dịch vụ tài chính tiêu dùng. Điều này sẽ giúp ngân hàng giữ chân khách hàng lâu dài và tăng trưởng ổn định trong suốt thời gian dài.

Trên thế giới, JPMorgan Chase là một ví dụ tiêu biểu cho quá trình chuyển đổi thành công từ ngân hàng thương mại thành tập đoàn tài chính toàn diện. Xuất phát điểm là một ngân hàng thương mại, JPMorgan Chase đã liên tục mở rộng hoạt động, xây dựng hệ sinh thái tài chính đa dạng với các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như quản lý tài sản, bảo hiểm, chứng khoán và dịch vụ tài chính toàn cầu. Đến nay, tập đoàn này cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư đến quản lý quỹ và bảo hiểm, thể hiện rõ mô hình tài chính tích hợp bền vững.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn