Ngành bia tìm đường trong gian khó
Suy giảm hoạt động
Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh này báo cáo về việc tạm dừng hoạt động dự án Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam).
Nhà máy Heineken tại Quảng Nam. Ảnh: st |
Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam đặt tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc từ năm 2007, với các sản phẩm bia Heineken, Tiger, Larue... Đây cũng là nhà máy nhỏ nhất về quy mô trong số 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam được đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam.
Trước dịch COVID-19, bình quân mỗi năm Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách tỉnh từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng, thuộc diện lớn thứ 2 về nộp ngân sách tại địa phương này. Còn trong 3 tháng đầu năm 2024, đóng góp từ Nhà máy Heineken Quảng Nam cho ngân sách địa phương đạt khoảng 20 tỷ đồng.
Lý do được doanh nghiệp đưa ra là, từ sau giai đoạn Covid-19, ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành bia đã đối diện nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó là những thay đổi trong hành vi và thói quen của người tiêu dùng liên quan đến quy định về nồng độ cồn. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.
Bay màu cả nghìn tỷ lợi nhuận
Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) giữa tháng 4/2024 cũng cho hay, năm 2023 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp bia.
“90% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam hiện nay thuộc về 4 hãng lớn là Heineken, Sabeco, Habeco và Carlsberg. Các doanh nghiệp sản xuất bia cũng đang phải gồng mình trước tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng cao. Một số doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh âm như AB Inbev khi lỗ 170 tỷ đồng”, văn bản của VBA nhận xét.
Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn của Sabeco. Ảnh: Sabeco |
VBA cũng nhắc tới giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao từ 15%-30%, malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất tăng khoảng 30-40% so với mức giá bình quân năm 2022.
Cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ giảm do thu nhập người dân bị ảnh hưởng sau đại dịch, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu hay sự thay đổi thói quen, hành vi liên quan quy định nồng độ cồn; du lịch nội địa đang có đà hồi phục nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và người dân có xu hướng chuyển sang du lịch nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… do giá cả cạnh tranh hơn dẫn đến tiêu dùng đồ uống tại các khu vui chơi giải trí, lữ hành, khách sạn cũng bị ảnh hưởng.
Theo ước tính của VBA, ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng có mức tăng trưởng âm 7%.
"Năm 2019 là đỉnh cao của ngành đồ uống nói chung và bia nói riêng. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình ngành bia tăng trưởng 5% - 6%/năm. Nếu theo tốc độ tăng đó, đến 2022, ngành bia phải tăng 20% so với năm 2019, nhưng thực tế, năm 2021 ngành bia giảm 10% -15%; năm 2022 giảm khoảng 7%”, VBA nhận xét.
Điều này khiến cho kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều ông lớn ngành bia cũng giảm sút.
Cụ thể, Báo cáo tài chính năm 2023 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho thấy, doanh thu đạt 30.461 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 4.255 tỷ đồng, tức là chỉ thực hiện được khoảng 76% và 74% so với kế hoạch đề ra tại Đại hội cổ đông năm 2023.
So với năm 2022, các kết quả đạt được trong năm 2023 của Sabeco cũng giảm 13% và 23% so cùng kỳ.
Tương tự, Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 đạt 7.757 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,7% và 30% so với năm 2022. So với kế hoạch năm, Habeco chỉ hoàn thành được gần 60% chỉ tiêu lợi nhuận.
Không chỉ Sabeco và Habeco, nhóm doanh nghiệp bia vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn. Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương cả năm 2023 chỉ đạt 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 43% so với năm 2022; Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 25%, chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng; hay Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa lợi nhuận cũng sụt giảm 50% so với năm 2022 và chỉ còn hơn 5 tỷ đồng.
Hãng kiểm toán KPMG hồi tháng 3/2024 cũng đưa ra đánh giá rằng, nhu cầu trầm lắng và tác động của Nghị định 100 khiến một số hãng bia phải điều chỉnh kế hoạch của năm 2024 của mình.
Tìm đường thích ứng
Theo Vietdata, tính đến năm 2022, mức tiêu thụ bia của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm.
Còn Công ty phân tích thị trường Astute Analytica cũng cho hay, thị trường bia Việt Nam được định giá khoảng 7,526 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 14,15 tỷ USD vào năm 2032 với mức tăng trưởng hàng năm là 7,27%.
Bởi vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường “béo bở” với các hãng bia.
Để thích ứng với tình hình hiện tại, Heineken Việt Nam đã quyết định tinh giản hoạt động. "Chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô", văn bản của Heineken Việt Nam cho hay.
Nhà máy bia Heineken Vũng Tàu vừa khánh thành với quy mô 1,1 tỷ lít bia hồi năm 2022 nhưng đang có kế hoạch lên đạt 1,6 tỷ lít bia vào năm 2025.
Đứng trước các cơ hội lớn như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, khả năng phục hồi cũng như cân nhắc sự thắt chặt của các công cụ chính sách, đồng thời là các dự báo về kinh tế thế giới trong 2024, Sabeco đề ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 34.397 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 4.580 tỉ đồng, lần lượt tăng 13% và 8% so với 2023.
Ba lĩnh vực trọng yếu được ông lớn này tập trung là tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng và ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) vẫn tiếp tục là mục tiêu trụ cột để giúp công ty đạt được mục tiêu kỳ vọng.
Ông Koh Poh Tiong, thành viên HĐQT Sabeco cho hay, năm nay, HĐQT Sabeco đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững và Quản trị rủi ro (SRMC) để hỗ trợ Ban giám đốc triển khai hiệu quả các sáng kiến và mục tiêu ESG, dưới sự cố vấn rủi ro của Hội đồng quản trị và Uỷ ban Kiểm toán, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và cổ đông".
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành từ các cổ đông để có thể cùng nhau chinh phục những tầm cao mới", ông nhấn mạnh.
Dây chuyền sản xuất bia Hà Nội. |
Còn tại Habeco - nhà sản xuất bia đứng thứ 3 về quy mô cũng đã đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh môi trường kinh doanh năm nay đang cho thấy tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính của Habeco dự kiến đạt 6.543,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 248,8 tỷ đồng.
Theo Ban lãnh đạo Habeco, vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế vẫn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bán lẻ; rủi ro lạm phát, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn tiếp tục là những áp lực đối với các doanh nghiệp.
Những yếu tố này sẽ tạo nên thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục tiêu của Habeco là khẳng định vị thế dẫn đầu tại thị trường phía Bắc, tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường tại miền Trung và miền Nam, gia tăng giá trị thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ của HABECO đến người tiêu dùng.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Habeco đang tập trung phát triển cả kênh OFF (kênh tiêu dùng gián tiếp) và kênh ON (kênh tiêu dùng trực tiếp) và kênh hiện đại (MT). Khai thác tiềm năng kênh thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh và hoàn thiện mô hình phân phối của Habeco. Cạnh đó, công tác xuất khẩu cũng được Habeco đẩy mạnh khi ngay đầu năm 2024 đã có lô hàng xuất khẩu chính ngạch vào Hoa Kỳ thông qua đối tác MIB Morris International Beverage (USA).
Xem thêm tại baodautu.vn