Ngành cao su Việt đang có dư địa phát triển tốt nhưng không được chủ quan
Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết quy mô năng suất sản lượng mủ cao su của Việt Nam hiện nay là 1.300.000 tấn/năm được khai thác từ 910.000ha trồng cây cao su. Thực tế trong 910.000ha này thì không phải là khai thác hết tất cả, bởi vì trong đó cây cao su trưởng thành dùng để khai thác chỉ chiếm khoảng 70 - 75%.
Sự trở lại của “vàng trắng”
Theo ông An, với quy mô sản lượng mủ cao su khai thác hàng năm như vậy thì hiện nay ngành sản phẩm công nghiệp cao su của Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng trên 300.000 tấn/năm để phục vụ cho sản xuất chế biến, cho nên dư địa để phục vụ cho xuất khẩu (XK) nguyên liệu cao su rất lớn.
Thị trường lốp xe của Trung Quốc tăng trưởng trở lại giúp cho XK cao su của Việt Nam khởi sắc. |
Bên cạnh đó, như lưu ý của vị tổng thư VRA, việc phát triển của ngành cao su Việt hiện nay có liên quan đến nhiều vấn đề, từ khâu chính sách, về điều kiện môi trường, thị trường có thuận lợi hay không, yếu tố cạnh tranh…Nhưng hiện tại cho thấy ngành này đang có dư địa phát triển khá tốt.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay tổng sản lượng XK cao su của Việt Nam đã đạt 499 ngàn tấn, trị giá 743 triệu USD (tăng 6,4% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023). Trung Quốc vẫn là thị trường XK lớn nhất (chiếm 80% lượng XK), tiếp đến là Ấn Độ. Trong quý 2/2024, nhờ vào sự phục hồi của ngành ô tô và lốp xe toàn cầu (nhất là tại Trung Quốc) đang giúp cho XK cao su của Việt Nam tiếp tục gặp thuận lợi.
Với đà tăng trưởng như vậy thì khả năng XK cao su của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ đạt 3,3 - 3,5 tỷ USD. Điều này tương phản với hồi năm 2023 khi mà XK cao su đạt khoảng 2.14 triệu tấn, trị giá 2.89 tỷ USD, giảm 0.04% về lượng và giảm 12.7% về trị giá so với năm 2022, và giá XK bình quân đạt 1,350 USD/tấn, giảm đến 12,7%. Trong khi đó, giá cao su XK bình quân trong quý 1/2024 vừa qua đã đạt 1,466 USD/tấn, tăng 5.3% so cùng kỳ năm trước.
Nhận định mới đây về sự chuyển mình trong ngành cao Việt Nam, cụ thể như trường hợp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR - doanh nghiệp đứng đầu ngành cao su của Việt Nam với việc sở hữu hơn 245.000ha đất trồng cao su trong nước, có hơn 99 công ty con cùng với 16 công ty liên kết) , Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset đã dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GVR trong năm 2024 lần lượt đạt 25.681 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2023) và 4.904 tỷ (tăng 45,4%). Có được đánh giá khả quan như vậy là bởi giá cao su được kỳ vọng phục hồi mạnh trong năm nay khi nhu cầu của ngành lốp xe tăng trưởng.
Còn trong báo cáo gần đây về sự khởi sắc của ngành cao su thiên nhiên Việt Nam vốn được được xem như sự trở lại của “vàng trắng” trong thời kỳ mới, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng giá cao su được dự phóng có thể tiếp tục neo cao, cụ thể với giá cao su TSR20 sẽ đạt mức 1.6-1.8 USD/kg (tăng 10 đến 20% so cùng kỳ năm trước) trong năm tài chính 2024 - 2025.
Như quan điểm của PHS, triển vọng tăng trưởng dành cho các doanh nghiệp (DN) ngành cao su vẫn đang rất tích cực trong cả ngắn hạn và trung hạn.
Động lực sẽ đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, các DN tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng giá bán và khả năng tăng thị phần XK khi các thị trường khác phải đối mặt với sự thiếu hụt cung trong giai đoạn 2024 - 2025.
Ngoài ra, với các DN cao su Việt đã được cấp chứng nhận Quản lý rừng bền vững VFCO/PEFC sẽ có lợi thế rất lớn trong việc cung cấp vật liệu, sản phẩm cho các nhà sản xuất tại thị trường EU khi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực từ năm 2025.
Thực tế cho thấy thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường EU chỉ chiếm 6,41%. Tuy vậy, để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường XK như Trung Quốc cũng như giá tăng giá trị XK thì việc mở rộng XK vào thị trường EU là rất cần thiết, và điều này đòi hỏi các DN phải nắm vững EUDR.
Thận trọng trong hoạt động kinh doanh cốt lõi
Để không gặp cản trở từ thị trường EU bởi quy định EUDR, giới chuyên gia nhấn mạnh các DN cao su của Việt Nam cần nhanh chóng rà soát lại chuỗi cung ứng của mình và làm việc với chính quyền địa phương và các thương lái cung cấp hàng cho mình. Qua đó nhằm đánh giá khả năng đáp ứng quy định EUDR của chuỗi cung hiện tại của mình, xây dựng phương án khắc phục các tồn tại của chuỗi, cũng như phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, cần nhắc lại thực trạng vườn cây cao su của Việt Nam hiện nay. Đó là với diện tích trồng vượt ngưỡng quy hoạch quá mức và giá cao su liên tục sụt giảm mạnh trong những năm trước đó đã khiến cho trào lưu trồng cây cao su chấm dứt khi các cơ quan quản lý thực hiện công tác chặt chẽ hơn và các tiểu điền phải chặt bỏ hoặc thanh lý để chuyển đổi canh tác. Từ đó tổng diện tích cây cao su đã giảm từ đỉnh 985.6 nghìn ha vào năm 2015 với tốc độ bình quân 1%/năm và còn 910.2 nghìn ha vào năm 2023.
Còn hồi đầu năm 2024 Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ duy trì khoảng 800-850 nghìn ha diện tích cao su. Trong đó có 250-300 nghìn ha cao su sẽ được cấp chứng chỉ rừng bền vững, 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết, diện tích rừng trồng cao su hiện nay đã được cấp chứng chỉ đã đạt 123.66 nghìn ha. Điều này đã thể hiện sự chủ động của các DN cao su Việt Nam trong công tác thích ứng với các quy định, tiêu chuẩn phát triển bền vững toàn cầu, đặc biệt là sắp tới khi quy định EUDR có hiệu lực.
Rõ ràng, dù đang có những thành công nhưng trước lưu ý của vị tổng thư ký VRA về các vấn đề liên quan đến khâu chính sách, điều kiện môi trường, yếu tố thị trường, cạnh tranh…thì các DN nội địa trong ngành cao su Việt cần chủ động để đạt mục tiêu cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình trong năm 2024.
Thế Vinh
Xem thêm tại vnbusiness.vn