Ngành công nghệ thông tin dự báo thu về hàng tỷ USD, gọi tên ba cổ phiếu rất tiềm năng

Chứng khoán KBSV vừa đưa ra những nhận định triển vọng ngành công nghệ năm 2025 trong đó nhấn mạnh FPT, CMG và CTR sẽ nổi lên như những cổ phiếu chiến lược và được hưởng lợi trong giai đoạn tới.

Dự phóng của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực Công nghệ Thông tin toàn cầu ước tính đạt 5,25 nghìn tỷ USD tăng 7,2% so với cùng kỳ trong 2024. Cụ thể, chi tiêu lớn nhất vẫn là cho Dịch vụ truyền thông, Dịch vụ Công nghệ Thông tin và phần mềm, chiếm 80% tổng chi tiêu cho toàn lĩnh vực.

Về tăng trưởng, hệ thống trung tâm dữ liệu tăng 34,7% và Phần mềm tăng 11,7% so với cùng kỳ là những phân khúc cho thấy mức độ tăng mạnh nhất, phù hợp với bối cảnh toàn cầu ưu tiên cho chuyển đổi số và đầu tư nghiên cứu AI.

Dự phóng cho 2025 của Gartner tiếp tục thể hiện kỳ vọng đầy tích cực cho chi tiêu vào ngành công nghệ toàn cầu. Theo đó, chi tiêu 2025F kỳ vọng đạt 5,74 nghìn tỷ USD tăng 9,3% so với cùng kỳ, tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đóng góp của 3 phân khúc chính là hệ thống trung tâm dữ liệu, phần mềm và dịch vụ Công nghệ Thông tin.

Triển vọng mạnh mẽ này dự trên cơ sở xu hướng đầu tư về công nghệ mới với nhiều sự thay đổi mang tính chiến lược theo hướng chuyển đổi số, nghiên cứu tích hợp AI và phát triển hệ thống điện toán đám mây. Đặc biệt, chuyển đổi số và tích hợp AI có thể thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động và kỳ vọng tạo ra bước ngoặt trong hiệu suất lao động.

Theo Bộ thông tin và Truyền thông, doanh thu toàn ngành truyền thông thông tin tăng trưởng vượt trội. Trong 11 tháng năm 2024, doanh thu đạt 3,98 triệu tỷ đồng tăng 19,8%, hoàn thành 95,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận ước tính tăng 17,5% và đóng góp vào GDP đạt 924.839 tỷ đồng 18%.

Số liệu cho thấy tăng trưởng ấn tượng của toàn ngành Công nghệ Thông tin tại Việt Nam với bối cảnh xuất khẩu phần mềm/phần cứng và dịch vụ Công nghệ Thông tin phục hồi trong năm 2024.

Sang 2025, Việt Nam kỳ vọng sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ. Chính phủ đã đưa ra các chiến lược tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn, hạ tầng số và nguồn nhân lực quốc gia, định vị Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ trong khu vực.

Cụ thể, chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam định hướng theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung vào việc định vị quốc gia là trung tâm lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói và thiết kế chip, tận dụng nhân lực chi phí cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ đang thúc đẩy ưu đãi đầu tư, hỗ trợ hạ tầng, và hợp tác quốc tế để thu hút các tập đoàn lớn.

Việt Nam hướng tới doanh thu hàng tỷ USD và mở rộng năng lực trong chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030. Giai đoạn sau năm 2030 định hướng trở thành trung tâm bán dẫn, điện tử toàn cầu và làm chủ nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này.

Ngành công nghệ thông tin dự báo thu về hàng tỷ USD, gọi tên ba cổ phiếu rất tiềm năng - Ảnh 1

Chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam tập trung xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại, phát triển dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), và mạng 5G, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đặt mục tiêu tăng cường kết nối số toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ và thu hút đầu tư vào trung tâm dữ liệu, nền tảng số.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như CNTT, AI, và kỹ thuật bán dẫn. Chính phủ khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số và ngoại ngữ, cùng các chương trình thu hút nhân tài quốc tế. Với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí cạnh tranh, Việt Nam đang có lợi thế để trở thành trung tâm nhân lực tiềm năng cho các ngành công nghệ và sản xuất.

Trong bối cảnh Việt Nam đặt trọng tâm phát triển công nghệ đến năm 2025 và xa hơn, KBSV cho rằng FPT, CMG và CTR sẽ nổi lên như những cổ phiếu chiến lược và được hưởng lợi trong giai đoạn này.

FPT được đặt nhiều kỳ vọng trong nghiên cứu, phát triển và thiết kế chip, đặc biệt khi Việt Nam đang trở thành trung tâm lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn, thúc đẩy các cơ hội hợp tác quốc tế. FPT và Nvidida thời gian qua đã công bố một số hợp tác quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển AI, công nghệ đám mây (Cloud) và đào tạo nhân lực.

Ngoài ra, năng lực đào tạo thông qua Đại học FPT cũng giúp công ty duy trì vị thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT, AI, và bán dẫn, từ đó hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. FPT với tiềm lực, chiến lược tập trung có khả năng mở rộng nhanh chóng trong bối cảnh hiện tại và duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số.

CMG, với thế mạnh trong dịch vụ CNTT và chuyển đổi số, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chiến lược phát triển hạ tầng số, khi nhu cầu về điện toán đám mây, dữ liệu lớn tăng cao. Hơn nữa, bối cảnh chạy đua nghiên cứu và phát triển AI sẽ thúc đẩy nhiều hơn các trung tâm dữ liệu (Data center) để phục vụ cho mục tiêu này.

CTR, dẫn đầu trong mảng xây dựng hạ tầng viễn thông, được dự báo hưởng lợi từ các dự án hiện đại hóa mạng lưới. Việc 5G được thương mại hoá sẽ cần số lượng trạm phát sóng nhiều hơn tương đối so với 4G. Theo đó, các gói thầu xây dựng trạm kỳ vọng được đẩy mạnh và trực tiếp thúc đẩy triển vọng cho doanh nghiệp trong tương lai.

Xem thêm tại vneconomy.vn