Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với giấc mơ bước chân ra thế giới

Đầu tư bài bản, chất lượng toàn cầu

Năm 2023, theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cứ 10 ô tô được bán ra thị trường trong nước có khoảng 7 chiếc được lắp ráp tại Việt Nam và tỉ lệ này tiếp tục được tăng lên trong năm 2024.

Tỉ lệ nội địa hóa (NĐH) sản phẩm từ trung bình 10-14% đã tăng lên 20%-30% đối với xe du lịch. Đơn cử như Công ty CP Tập Trường Hải (Thaco) đã đạt tỷ lệ nội địa hóa xe bus lên trên 60%, xe tải 40%, xe du lịch bình quân 25%, trong đó một số mẫu xe du lịch đạt trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực RVC để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA).

Hyundai Thành Công Việt Nam (TC Motor) có mẫu Palisade được sản xuất tại nhà máy số 2 Ninh Bình đạt lệ RVC trên 40%, đủ điều kiện hưởng các ưu đãi thuế quan từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tạo lợi thế cạnh tranh lớn khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Hay VinFast chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư sản xuất xe điện, các mẫu xe mang thương hiệu Việt không chỉ có chỗ đứng trong thị trường "xe xanh" tại Việt Nam mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, hiện tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á, sau Thái Lan.

Các doanh nghiệp trong nước với nền tảng đầu tư bài bản, vững chắc, hệ thống dây chuyền hiện đại, nhà xưởng đồng bộ đã nhanh chóng hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Môi trường kinh doanh ngành ô tô trong khu vực đang có nhiều thay đổi. Việt Nam hiện đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%.

Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).Đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, dành cho các khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mexico…

Vươn ra thế giới

Không chỉ dừng ở mục tiêu sản xuất, lắp ráp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước làm chủ lực đã hướng tới tham gia vào chuỗi giá trị, thương mại toàn cầu thông qua xuất khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc.

Đi sau, phát triển chậm, nhưng các doanh nghiệp Việt đã từng bước khẳng định vị thế khi “ngược dòng” xuất khẩu ngược lại tới các nước trong khu vực.

Từ những năm 2004-2005, Thaco đã nghiên cứu, sản xuất lắp ráp xe bus, đồng thời liên tục đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Đến năm 2019, Thaco gặt hái “quả ngọt” từ chiến lược đầu tư bài bản, mở màn bước chân ra thế giới bằng sự kiện xuất khẩu những chiếc xe bus (tỉ lệ NĐH đạt trên 45%, động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5) sang các nước trong khu vực (Philippines, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Myanmar); Không chỉ vậy doanh nghiệp Việt Nam này cũng đặt chân sang thị trường Mỹ với việc xuất khẩu lô Sơ mi rơ móc.

Đây được xem là mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và Thaco nói riêng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trong khu vực.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco cho biết: Để có được lô xe đầu tiên xuất khẩu sang Philippines là quá trình kiên trì thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của doanh nghiệp. Ngày từ đầu, Thaco đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai với định hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ô tô quốc tế sản xuất, xuất khẩu sang các nước khu vực Asean; xuất khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô, tham gia chuỗi giá trị cung ứng phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Không chỉ xe khách, năm 2020, Thaco đã “lội ngược dòng” xuất khẩu những chiếc xe du lịch Kia Grand Carnival sang Thái Lan, trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á (đơn hàng gần 600 xe). Tính chung cả năm 2020 Thaco đã xuất khẩu 1.026 xe ô tô các loại. Năm 2023, Thaco xuất khẩu hơn 2.400 xe (đạt doanh thu hơn 10 triệu USD).

Sau Thaco, năm 2022, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục ghi nhận một dấu mốc lịch sử nữa khi VinFast xuất khẩu lô gồm 999 chiếc xe điện mang thương hiệu VinFast đi Mỹ, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam và nhiều doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu xe về bán trong nước, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Hyundai Thành Công Việt Nam là cái tên tiếp theo xuất khẩu thành công ô tô sang thị trường nước ngoài, đánh dấu những cột mốc mới trong ngành công nghiệp của Việt Nam.

Năm 2023, dòng xe đầu tiên được Hyundai Thành Công Việt Nam xuất khẩu là Hyundai Solati (mini bus 16 chỗ) và Mighty N250 (xe tải nhẹ), với số lượng 122 chiếc sang Peru, một đất nước khá xa với Việt Nam.

Không dừng ở đó, mới đây, tháng 10/2024, Hyundai Thành Công Việt Nam cũng thành công tiến quân vào trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, khi xuất khẩu 110 xe (trong tổng số 4.000 giai đoạn 2024-2025) xe du lịch cao cấp Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan.

Sau Hyundai Palisade, Hyundai Thành Công còn đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu các dòng xe khác trong phân khúc B, B-SUV, D-SUV, D-MPV sang các thị trường khác như Myanmar, Philippines, Indonesia và các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Những kết quả nói trên, về mặt số lượng chưa lớn, nhưng là những bước đi nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam.

Đánh giá từ đại diện Bộ Công Thương cho rằng: việc xuất khẩu ô tô không chỉ có ý nghĩa với riêng doanh nghiệp đó mà còn mang lại giá trị cho đất nước, cho các ngành công nghiệp phụ trợ. Xuất khẩu ô tô giúp mở rộng thị trường, tăng năng suất, tối đa chi phí nâng cao chất lượng, khách hàng có cơ hội sở hữu dòng xe tốt hơn, chi phí hợp lý hơn.

Điểm đến đầu tư, hợp tác

Không chỉ là một “điểm đến” đầy tiềm năng khiến hầu hết các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới đẩy mạnh bán hàng vào mà thị trường Việt Nam ngày một hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng xe sẵn sàng xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam chứ không đơn thuần nhập xe về bán như trước.

Trong bối cảnh nhiều nhà máy sản xuất ô tô phải đóng cửa tại các cường quốc sản xuất ô tô trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam đang dần vươn lên trở thành “cứ điểm” đầu tư trong khu vực.

Có thể kể ra hàng loạt các hoạt động đầu tư, hợp tác chiến lược sản xuất ô tô tại Việt Nam trong 2 năm qua.

Đơn cử như “ông lớn” trong ngành phân phối xe tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Tasco và Geely Auto Group đã ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam.

Liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô giữa Tasco và Geely là một dự án CKD (Completely Knocked Down: lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha, phục vụ cho nhu cầu trong nước và đặc biệt là xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%.

Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.

Hai doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác để kêu gọi các nhà đầu tư khác để hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực… tại Khu kinh tế Thái Bình.

Năm 2023, Hyundai Thành Công Việt Nam và Skoda Auto hợp tác chiến lược xây dựng nhà máy sản xuất xe Skoda tại tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Skoda Auto, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao. Đây sẽ là nơi tập trung nguồn nhân sự chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

TMT Motors của Việt Nam và Liên doanh GM - SAIC - WULING cũng đã ký thỏa hợp tác chiến lược vào tháng 2/2023. Liên doanh GM và SAIC - WULING cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ôtô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Mẫu xe nói trên sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm.

Liên doanh Geleximco (Việt Nam) và Chery (Trung Quốc) cũng đã ký hợp tác đầu tư đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 800 triệu USD để sản xuất phân phối các dòng xe Omoda & Jaecoo tại Việt Nam.

Hay như BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc sau khi đặt chân phân phối sản phẩm tại Việt Nam vào năm 2024, cũng không giấu giếm kế hoạch sẽ đầu tư sản xuất lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam trong thời gian ngắn tới đây.

Các thỏa thuận như trên sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Nhờ đó, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có cơ hội chuyển mình, phát triển và có cơ hội nội địa hóa mạnh mẽ hơn.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang khẳng định được vị thế và tiềm lực với các nhà sản xuất không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, Việt Nam đang cho thấy sự hấp dẫn với các nhà đầu tư với nhiều tiềm năng chờ được khai phá và cơ hội nâng tầm ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” khi có nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra các nước trong khu vực Đông Nam Á hay các thị trường khó tính khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu.

Ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương:

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với giấc mơ bước chân ra thế giới

Được sự ủng hộ của Chính phủ cùng sự nỗ lực đầu tư của các doanh nghiệp, thị trường ô tô Việt Nam đã dần đi vào ổn định. Nguồn xe từ nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước dồi dào, nhiều mẫu xe mới ra mắt, giá xe giảm nhanh. Những năm qua cũng đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khi nhiều nhà máy chính thức khánh thành và xuất xưởng nhiều mẫu xe mới. Đối với thị trường gần 100 triệu dân thì vẫn còn rất nhiều dư địa cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và không ngừng tăng lên, do đó, nhu cầu sở hữu, ô tô xe máy sẽ ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công Việt Nam:

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với giấc mơ bước chân ra thế giới

Hyundai Thành Công Việt Nam dự kiến xuất khẩu hơn 4.000 xe Hyundai sang các nước trong khu vực trong năm 2025, góp phần hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam là một cứ điểm sản xuất xe trong khu vực và trên thế giới. Hyundai Palisade là mẫu SUV cao cấp nhất của Hyundai, được sản xuất và phân phối tại Việt Nam từ tháng 9/2023. Với tỷ lệ RVC trên 40%, Hyundai Palisade không chỉ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe mà còn đủ điều kiện hưởng các ưu đãi thuế quan từ AFTA, tạo lợi thế cạnh tranh lớn khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đây sẽ là tiền đề vững chắc cho các sản phẩm xe ô tô du lịch có xuất xứ Việt Nam tiếp cận được các thị trường quốc tế khó tính hơn, tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA mà Việt Nam là thành viên mang lại.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia:

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với giấc mơ bước chân ra thế giới

Chúng ta tự hào Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á, phát triển ngành ô tô sau nhất nhưng đến nay có 1 hãng ô tô thương hiệu Việt thực sự, đó là điều cả thế giới thừa nhận. Trong số 100 doanh nghiệp ảnh hưởng lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí TIME thì có hãng xe điện VinFast.

Với doanh nghiệp ô tô thì phải xuất khẩu mới tồn tại được. Để giải được bài toán này cần chú ý đến 2 vấn đề lớn. Một là cải cách công nghệ để hướng tới sản phẩm xanh, tức là xe điện. Hai là khi có được xe điện thì mới dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn rẻ của quốc tế thông qua những khoản tài chính hỗ trợ cho ngành công nghiệp giảm phát thải.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền -Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải:

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với giấc mơ bước chân ra thế giới

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nhà sản xuất xe thuần điện trong nước. Vì vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp sản xuất xe điện cũng giúp cho Việt Nam chủ động hơn trong toàn bộ lộ trình và kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh.

Nguyễn Hà (ghi)

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn