Ngành nào hưởng lợi khi tỷ giá tăng 'nóng'?
Tỷ giá tăng vượt mục tiêu
Diễn biến tỷ giá rất "nóng" trong những ngày gần đây. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 24.260 đồng, tăng so với vùng 23.900 đồng vài ngày trước đó và tăng 1,65% so với đầu năm. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng đang neo ở mức cao trên 25.133 - 25.473 đồng (Vietcombank), 25.150 - 25.473 đồng (VietinBank)… Tỷ giá trên thị trường tự do có lúc nhảy vọt lên 25.500 - 25.700 đồng. So với cuối 2023, tỷ giá đã mất giá gần 5%, cao hơn mức mục tiêu cả năm là 3%.
Việc chỉ số giá trị đồng USD trên thị trường quốc tế tăng rất mạnh 5% tính từ đầu năm đã tạo ra áp lực lớn lên các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND. Theo thông tin từ ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, tỷ giá thời gian gần đây tăng “nóng” do nhu cầu mua ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu sắt thép, xăng dầu sản xuất. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có xu hướng tăng mua ngoại tệ kỳ hạn khiến nhu cầu trong tương lại chuyển về hiện tại.
Để giảm áp lực tỷ giá, NHNN đã phát hành tín phiếu kho bạc hút thanh khoản dư thừa, tăng lãi suất liên ngân hàng và thu hẹp cơ hội giao dịch chênh lệch lãi suất của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp giao dịch ngoại hối lớn. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4 thanh khoản hệ thống gặp áp lực, NHNN phải liên tục kích hoạt kênh mua kỳ hạn. Thống kê của SSI Research cho thấy trong tuần 8/4 đến 12/4, NHNN đã bơm ròng 51.240 tỷ đồng ra khỏi thị trường bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu lưu hành giảm về mức 123.000 tỷ đồng và khôi lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn ở mức 10.000 tỷ đồng.
Đến ngày 19/4, thông tin từ ông Phạm Chí Quang, NHNN đã bắt đầu bán ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm với giá 25.450 đồng. Theo thông báo mới nhất gửi các tổ chức tín dụng, NHNN cho biết mức bán ngoại tệ tối đa cho mỗi tổ chức mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về mức cân bằng.
Ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh, ngành được hưởng lợi lớn chính là xuất khẩu như dệt may, thủy sản, cao su, nông sản… Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex (mã: VGT) từng bày tỏ VND ổn định trong khi nhiều đồng tiền như Ấn Độ hay Trung Quốc mất giá mạnh đã khiến dệt may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn nhu cầu xuống thấp từ nửa cuối 2022 đến 2023.
Xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh quý đầu năm tạo đà bứt phá cho cả năm. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng mạnh và đồng đều ở 3 nhóm hàng gồm nông, lâm, thủy sản; hàng công nghiệp chế tạo và nhóm nhiên liệu khoáng sản.
Tuy nhiên, tỷ giá tăng cao lại gây bất lợi cho các ngành chuyên nhập khẩu nguyên liệu bằng USD, hay giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp có nợ vay ngoại tệ lớn cũng gặp áp lực và đối mặt với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.
Trả lời cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2024, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) cho biết tập đoàn bị ảnh hưởng lớn bởi tỷ giá leo thang, quý đầu năm có thể phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng. Nguyên nhân do nguyên liệu của tập đoàn chủ yếu nhập khẩu trong khi tiêu thụ chính nội địa. Mặt khác, Hòa Phát duy trì tỷ trọng nợ vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay.
Chứng khoán BIDV kể tên loạt doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi lớn khi tỷ giá tăng do có nguồn thu chủ yếu bằng USD trong khi tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thấp như loạt doanh nghiệp thủy sản: VHC, ANV, IDI, FMC, MPC…; PTB có doanh thu mảng gỗ và đá xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và nguyên liệu tự chủ trong nước; DGC có doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu tỷ trọng thấp. Các doanh nghiệp dệt may như TNG, TCM, STG, HTG chủ yếu xuất khẩu nhưng cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài theo chỉ định khách hàng.
Ngược lại, doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực sẽ là DPM, DCM do nhập nguyên liệu tính bằng USD nhưng doanh thu xuất khẩu tỷ trọng thấp; NT2 giá khí đầu vào tính theo USD làm tăng chi phí sản xuất điện và giảm tính cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác.
Với một số doanh nghiệp khác có tính bù trừ trong thu chi nên vấn đề tỷ giá sẽ không tác động đáng kể như FPT, REE, PC1, GEG, BCG.
Xem thêm tại nhadautu.vn