Ngành ngân hàng quý II: Thu lãi hơn 60.900 tỷ đồng, nhiều nhà băng đột phá tăng trưởng

Tính đến ngày 1/8/2024, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với bức tranh nhiều màu sắc. Toàn ngành trong quý II/2024 thu về 60.916 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 21,58% so với quý II/2023.

Trước đó, MBS Research đã công bố báo cáo dự báo lợi nhuận quý II/2024 của các ngân hàng. Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhìn chung, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao và sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng.

5 ngân hàng dẫn đầu chiếm đến 53,25% tổng lợi nhuận toàn ngành

Dẫn đầu toàn ngành vẫn là Vietcombank (VCB) với 8.125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 9,38% so với cùng kỳ và chiếm 13,34% tổng lợi nhuận của toàn ngành. Trước đó, kết thúc quý II/2023, Vietcombank vẫn đứng đầu bảng xếp hạng với 7.428 tỷ đồng lợi nhuận.

Á quân là BIDV (BID) với 6.534 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 17,58% so với cùng kỳ, chiếm 10,73% tổng lợi nhuận toàn ngành. Kết thúc quý II, BIDV là ngân hàng đầu tiên có tổng tài sản vượt mốc 2,5 triệu tỷ đồng tại Việt Nam, giữ vững vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Top 3 là Techcombank (TCB), thu về 6.270 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với mức tăng trưởng mạnh mẽ 39,24% so với cùng kỳ. Techcombank quý II này đã vượt lên cả một trong số các big4 là VietinBank về lợi nhuận.

Đứng thứ 4 là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, mã: MBB), đạt 6.102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22,48% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, MB báo lãi 10.726 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 500 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Vietinbank (CTG) lùi về thứ 5 với số lãi sau thuế quý II đạt 5.409 tỷ đồng, tăng 2,75% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm đạt 10.412 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1%. Tổng tiền gửi khách hàng đến ngày 30/6 đạt hơn 1,46 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 6,66% so với đầu năm.

Ngành ngân hàng quý II: Thu lãi hơn 60.900 tỷ đồng, nhiều nhà băng đột phá tăng trưởng
Tổng hợp lợi nhuận sau thuế các ngân hàng trong quý II/2024, nguồn: BCTC các ngân hàng

Nhóm thu lời 2.000-5.000 tỷ đồng: HDB dẫn đầu về ROE

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) lần lượt đứng ở vị trí số 6 và số 7 trong bảng xếp hạng. ACB thu về 4.469 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,60% so với cùng kỳ; VPBank báo lãi tăng 48,16%, đạt 3.633 tỷ đồng.

HDBank (HDB) vừa có quý II bứt phá với 3.252 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 49,17% so với cùng kỳ. HDBank vươn lên xếp thứ 8 trong tổng số các ngân hàng lãi lớn nhất toàn ngành.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26,1%, đưa HDBank vào nhóm các ngân hàng dẫn đầu về ROE. Tăng trưởng tín dụng tích cực 13% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt ở mức 1,59%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung toàn ngành.

Góp phần lớn vào sự bứt phá là định hướng phát triển bền vững (ESG) với nhiều bước tiến mạnh mẽ của HDBank. Số lượng khách hàng mới qua kênh số gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. 94% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số, và số lượng giao dịch e-banking tăng 130% so với cùng kỳ.

Ngành ngân hàng quý II: Thu lãi hơn 60.900 tỷ đồng, nhiều nhà băng đột phá tăng trưởng
HDBank liên tiếp nhận các giải thưởng uy tín từ các tổ chức quốc tế

LPBank (LPB) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng trong quý II, với 2.422 tỷ đồng, gấp 3,42 lần cùng kỳ. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của LPBank đạt 442.583 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2023.

Trên thị trường chứng khoán, tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu LPB đã tăng hơn 80%. Theo đó, vốn hóa tăng đáng kể; kết thúc phiên sáng ngày 2/8, vốn hóa LPB đạt hơn 74.170 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) là hai cái tên còn lại có lợi nhuận sau thuế trên 2.000 tỷ đồng.

SHB báo lãi 2.275 tỷ đồng, tăng 10,44%, và STB báo lãi 2.177 tỷ đồng, tăng 13,09% so với cùng kỳ. Trước đó, quý II/2023, Sacombank chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.925 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng lợi nhuận từ 1.000-2.000 tỷ đồng: SSB tăng trưởng mạnh mẽ

MSB, VIB, TPBank (TPB), và SeaABank (SSB) là bốn cái tên còn lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, SSB ghi nhận mức tăng trưởng 83,29% so với cùng kỳ, đạt 1.382 tỷ đồng.

MSB ghi nhận mức lãi cao nhất trong bốn cái tên, đạt 1.730 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 3,13%. Tổng tài sản của MSB tại ngày 30/6 đạt hơn 295.537 tỷ đồng, tăng 10,69% so với thời điểm đầu năm.

Đối với, VIB ngân hàng này báo lãi đạt 1.683 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế giảm giảm 18,4%, đạt 3.684 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do hoạt động kinh doanh cốt lõi suy giảm và ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 3,14% đầu năm lên 3,65% vào thời điểm cuối quý II.

TPBank ghi nhận 1.523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 17,79%. Nửa đầu năm 2024, TPBank báo lãi 2.985 tỷ đồng tăng nhẹ hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tính đến hết ngày 30/6, tổng huy động của TPBank tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 317.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nguồn vốn CASA chất lượng của TPBank tiếp tục được củng cố khi đạt trên 22% (tính đến ngày 30/06).

Nhóm ngân hàng báo lãi dưới 1.000 tỷ đồng: Nhiều cái tên tăng trưởng ấn tượng, kế hoạch đầy tham vọng

Ở nhóm ngân hàng báo lãi dưới 1.000 tỷ đồng, quý II này ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều ngân hàng. Điển hình như Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) báo lãi gấp 8 lần cùng kỳ và Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB)báo lãi gấp 5 lần cùng kỳ. Đây là những bước tiến mạnh mẽ của các ngân hàng này.

Đối với BVBank, ngân hàng này đặt mục tiêu năm 2024 đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 179% so với kết quả năm 2023. Đến hết quý II/2024, BVBank đã hoàn thành 76% kế hoạch về lợi nhuận trước thuế, đạt 153 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của BVBank đạt gần 91.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, tiệm cận mốc 100.000 tỷ đồng theo mục tiêu đề ra. Huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 63.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Trong quý I/2024, BVBank gặp nhiều khó khăn do tác động từ bối cảnh chung của thị trường, nhưng đến quý II, hoạt động cho vay đã có nhiều khởi sắc, ghi nhận dư nợ cho vay đạt gần 59.600 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ và tăng 3,2% so với cuối năm 2023.

Ngoài ra, ngân hàng này chú trọng chuyển đổi số, hướng tới trở thành “Ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại”. BVBank sở hữu bộ đôi ứng dụng Digimi và Digibiz dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, giúp ngân hàng này vượt mốc 2 triệu khách hàng.

Tính đến hết quý II, số lượng khách hàng của BVBank tăng hơn 60%, số lượng giao dịch tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành ngân hàng quý II: Thu lãi hơn 60.900 tỷ đồng, nhiều nhà băng đột phá tăng trưởng
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet

Đối với Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, mã: NVB), ngân hàng này báo lãi gấp 7 lần cùng kỳ, đạt 48 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 6 tháng, NCB ghi nhận lãi hơn 6 tỷ đồng, do quý I/2024, NCB ghi nhận khoản lỗ 42 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của NCB đạt 103.312 tỷ đồng, tăng 7,3% so với đầu năm, hoàn thành 74% kế hoạch cả năm.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn