Ngành nước quý III: Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ sản lượng và giá bán tăng

Trong quý III, doanh thu của một số doanh nghiệp nước sạch đều tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ sản lượng nước tiêu thụ gia tăng. Trong đó, có đơn vị còn báo lãi lớn nhờ chính sách tăng giá bán nước sinh hoạt của địa phương.

Hưởng lợi từ giá nước

Theo BCTC quý III, CTCP Nước sạch Số 2 Hà Nội (Hawater - Mã: NS2) ghi nhận gần 200 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32% so với cùng kỳ do giá bán nước sinh hoạt tăng từ ngày 1/1. Biên lãi gộp được cải thiện, tăng từ 49% lên 53%.

Trừ đi các chi phí, NS2 báo lãi sau thuế hơn 9 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận gần 542 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt hơn 29 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ nhờ công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác.

Theo giải trình, khoản này là phần kinh phí mà NS2 được cấp để quản lý vận hành hệ thống cấp nước cho khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn - Bắc Sơn - Hồng Kỳ huyện Sóc Sơn và cấp nước sạch khu vực thị trấn Chi Đông và Quang Minh huyện Mê Linh trong nửa đầu năm nay, trong khi năm 2023 khoản này được ngân sách cấp vào tháng cuối năm.

Năm 2024, NS2 kỳ vọng đạt 695 tỷ đồng doanh thu và 18 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau ba quý, công ty vượt 61% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.

Một đơn vị khác trong ngành nước là CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water - Mã: TDM) đã công bố kết quả kinh doanh ước tính 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, doanh thu sản xuất nước hơn 352 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, thực hiện được 71% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 9 tháng gần 147 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ, thực hiện được 76% kế hoạch năm.

Theo TDM Water, lợi nhuận công ty giảm do cùng kỳ năm 2023 ghi nhận doanh thu tài chính từ cổ tức tiền mặt của Biwase. Trong khi 9 tháng đầu năm nay, thay vì trả cổ tức bằng tiền, Biwase trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, chi phí dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng lỗ chênh lệch tỷ giá tăng so với cùng kỳ năm trước cũng tác động đến lợi nhuận.

Còn tính riêng quý III, TDM Water ước lãi sau thuế 58 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Thông tin từ CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE), trong 9 tháng, doanh thu công ty tăng 11% so với cùng kỳ lên 2.901 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này chưa ghi nhận gần 239 tỷ đồng từ lĩnh vực xử lý chất thải, nước thải. Nếu cộng thực hiện, tổng doanh thu sẽ đạt 3.138 tỷ đồng.

Biwase báo lãi sau thuế 468 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ, thực hiện được 71% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Tính riêng quý III, công ty ước lãi 148 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng là M&A

Nhằm duy trì tăng trưởng trong bối cảnh tăng trưởng sản lượng tại Bình Dương chậm lại, Biwase đã tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh sang các tỉnh khác thông qua M&A.

Cụ thể, trong 2023, công ty đã hoàn thành 14 hoạt động M&A với tổng giá trị đầu tư khoảng 1.350 tỷ đồng - nhắm đến các các doanh nghiệp có thị phần lớn tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Sau M&A, công ty đã tăng công suất lên 930.000 m3 ngày đêm.

Trong báo hồi tháng 9, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thông tin, trong năm nay, công ty nước này sẽ mua lại 41,9% CTCP Biwase Quảng Bình từ Biwelco – công ty con của Biwase. Cụ thể trong năm 2023, Biwelco đã tiến hành mua lại 41,9% cổ phần của DNP Quảng Bình với tổng giá trị 30,9 tỷ đồng và đổi tên thành Biwase Quảng Bình

Bên cạnh đó, vào tháng 8, Biwase đã thống nhất chủ trương mua trên 50% cổ phần tại CTCP Cấp nước Sài Gòn – Cần Thơ, dự kiến thực hiện trước tháng 12.

Biwase dự kiến tổng mức đầu tư trong 3 năm tới vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Công ty tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A trong mảng kinh doanh cốt lõi là cung cấp nước trên cả nước.

Trong báo cáo phân tích hồi tháng 9, Chứng khoán DSC cũng chỉ ra rằng, động lực tăng trưởng của TDM Water trong giai đoạn 2024-2030 đến từ chiến lược đầu tư vào các công ty liên kết thuộc ngành nước ở các vùng lân cận.

Trong năm 2024, công ty dự kiến hoàn thành kế hoạch đầu tư mua cổ phẩn của Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW) và Công ty Cấp thoát nước Cà Mau (CMW). Sau khi kết thúc các đợt chào mua công khai, TDM Water sẽ sở hữu 24,36% cổ phiếu đang lưu hành của CTW và 24,39% vốn điều lệ của CMW.

Bên cạnh đó, Chứng khoán DSC còn cho rằng, một động lực tăng trưởng khác của TDM Water đến từ việc nâng công suất nhà máy nước. Công ty đang sở hữu nhà máy Dĩ An công suất 200.000 m3/ngày đêm và nhà máy Bàu Bàng công suất 60.000 m3/ngày đêm.

TDM Water đang đầu tư hai dự án để tiến tới mở rộng công suất gồm: Tuyến ống chuyển tải nước thô từ công trình thu Tân Ba về Nhà máy nước Dĩ An (DN1600); Tuyến ống nước thô từ Kênh Phước Hòa về Nhà máy Nước Bàu Bàng (D1500).

Xem thêm tại vietnambiz.vn