Ngành phân bón “ngóng” nộp thuế

10 năm chịu thiệt

Ông Lê Anh Tuấn, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã DHB) cho biết, nhiều năm nay, Công ty triền miên lỗ và sản xuất - kinh doanh vô cùng khó khăn. Do không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp không được hoàn thuế đầu vào khiến chi phí sản xuất đội lên, trong khi không thể áp giá bán cao vì sẽ không cạnh tranh được với giá phân bón nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng không dám đầu tư vì toàn bộ phần thuế giá trị gia tăng hạch toán vào tổng mức đầu tư không được hoàn thuế.

“Mỗi năm, tổng số tiền mà Công ty gánh chịu thêm do chính sách thuế hiện hành với phân bón lên tới 250 tỷ đồng. Nếu được khấu trừ thuế, chúng tôi sẽ có nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng phân bón; đồng thời có thể hạ giá bán ít nhất 3 - 5%, nếu giá đầu vào duy trì ổn định”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng chia sẻ, trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau (0,1 ha) chỉ khoảng 300.000 đồng trong tổng số 1 triệu đồng chi phí đầu vào. Nhưng từ sau năm 2014, giá phân bón tăng 30 - 35% khiến chi phí này đội lên gần 500.000 đồng, ăn mòn vào lợi nhuận của bà con nông dân.

Nguyên nhân là từ khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), mặt hàng phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế nên phải cộng tiền đó vào giá thành mặt hàng bán ra. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá phân bón tiếp tục tăng do chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới sau cuộc chiến Nga - Ukraine.

“Việc đưa phân bón ra khỏi danh mục chịu thuế giá trị gia tăng tưởng lợi mà lại trở nên bất cập, làm tăng giá phân bón. Trong khi đó, phân bón là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu đối với người dân nông dân trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp”, ông Hồng nhấn mạnh.

Cũng là đối tượng chịu tác động của Luật Thuế 71/2014/QH13, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn có thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra cho mặt hàng phân bón để tránh cơ chế hai giá cho cùng một mặt hàng: giá người nông dân mua hàng không có thuế giá trị gia tăng, trong khi doanh nghiệp mua lại có thuế.

Ngày 18/10/2024, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã gửi công văn đến Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - đơn vị chủ trì thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), kiến nghị áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón.

Áp thuế sẽ giúp nâng cao tính tự chủ của ngành phân bón

Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 29/10 về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) bày tỏ đồng tình với phương án do Chính phủ trình, đó là đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5% nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo cơ hội đầu tư phát triển, nâng cao công nghệ, tạo công ăn việc làm, tự chủ về phân bón, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

“Doanh nghiệp trong nước được khấu trừ đầu vào 5% đảm bảo tối ưu chi phí cơ hội, giảm giá phân bón cho nông dân, nông nghiệp, tạo sự bình đẳng trong sản xuất - kinh doanh với hàng hóa nhập khẩu hiện nay”, ông Thanh nói.

Trước một số ý kiến lo ngại khi phân bón chịu thuế giá trị gia tăng 5%, thuế này sẽ được cộng vào giá thành sản phẩm phân bón và người nông dân phải chịu, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu quan điểm, việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chứ không có hại.

“Tôi nhớ, từ khi chúng ta làm Luật 71/2014/QH13 đưa thuế giá trị gia tăng từ 5% về không chịu thuế, hồi đó ý tưởng định đưa vào, sau đó sẽ tính khấu trừ đối với doanh nghiệp, về sau không được khấu trừ nữa thì vô hình trung gây bất lợi cho doanh nghiệp”, ông An nói và cho rằng, không phải cứ áp thuế 5% thì giá sẽ tăng lên 5%.

Liên quan đến giá phân bón, ông Trần Văn Minh, Công ty TNHH MTV Trần Văn Phước cho biết, Công ty bán nhiều loại phân bón, gồm cả sản phẩm trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc. Phân bón trong nước có giá cao hơn phân bón nhập khẩu 5 - 10% nên mặc dù chất lượng tốt hơn nhưng người nông dân vẫn có xu hướng mua phân bón nhập khẩu.

Chính vì điều này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh, cần chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Khi tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng ý với phương án áp thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón, mặc dù trước đó có quan điểm ngược lại.

“Trước đây, quan điểm của tôi là nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi thấy thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 chuyển thuế suất 5% sang không chịu thuế đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khiến nhóm này không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu”, ông Hoà chia sẻ.

Trước đó, trình bày biên bản tiếp thu, giải trình dự án Luật, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, Luật số 71/2014/QH13 chuyển phân bón từ diện chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% sang diện không chịu thuế đã gây ảnh hưởng bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước do không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, trước tình trạng cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới, nhiều doanh nghiệp phân bón của Việt Nam đã phải đóng cửa hoạt động.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận với dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, cụ thể là chuyển phân bón từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng sang diện chịu thuế 5%.

Doanh nghiệp phân bón được nộp thuế giá trị gia tăng sẽ được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nên cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất. Doanh nghiệp phân bón nhập khẩu (chiếm 27% thị phần trong nước) sẽ chịu sức ép cạnh tranh về giá và phải giảm theo.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 26/11/2024.

Các doanh nghiệp phân bón trong 10 năm qua đã chịu thiệt thòi hơn 10.000 tỷ đồng. Nếu bây giờ được nộp thuế giá trị gia tăng 5% và được hoàn thuế đầu vào, số tiền đó doanh nghiệp có thể sử dụng để đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ, giảm giá thành và nâng cao chất lượng phân bón và mang tới sản phẩm tốt hơn cho người nông dân.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn