Ngành Tài chính tiêu dùng: Miếng bánh hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại
Tăng trưởng kinh tế là tác nhân chính thúc đẩy ngành tài chính tiêu dùng phát triển bùng nổ
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tình hình kinh tế xã hội trong 05 tháng đầu năm 2024 cho thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng khả quan khi vĩ mô dần được ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát và các cân đối lớn về tài chính – ngân sách nhà nước được đảm bảo. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đang duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tích cực, trong đó phải kể đến sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực tiêu dùng.
Infographic về tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu... tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Thập kỷ tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng
Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, đến năm 2030, số lượng người tiêu dùng mới của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành tài chính tiêu dùng phát triển bùng nổ khi nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ tài chính tiêu dùng tăng cao, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngành tài chính tiêu dùng là ngành hưởng lợi đặc biệt từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thu nhập gia tăng, sự tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi thói quen tiêu dùng đã mang lại cơ hội tiếp cận tài chính tiêu dùng cho người dân trở nên dễ dàng hơn. Sự hội tụ của các yếu tố này sẽ là bàn đạp cho ngành tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/03/2024, có 16 công ty tài chính đang được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Số lượng các công ty này gần như không thay đổi qua nhiều năm. Đây hứa hẹn sẽ là cơ hội để các công ty tài chính tiêu dùng có thể cạnh tranh, nâng cao năng lực và vị thế trong ngành.
Sự bùng nổ của ngành tài chính tiêu dùng - miếng bánh hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại
Theo M&A Mekong Asia, xu hướng dòng vốn ngoại rót vào các thương vụ M&A ở những thị trường cận biên và đang phát triển ngày càng phổ biến, trong đó có Việt Nam. Sức hút của thị trường tài chính tiêu dùng trong nước đối với vốn ngoại là rất lớn. Với tiềm năng phát triển bùng nổ của nhóm ngành tài chính tiêu dùng trong thập kỷ tới, xu hướng đầu tư của khối ngoại sẽ ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là các thương vụ M&A các công ty tài chính tiêu dùng.
Dòng vốn đầu tư khối ngoại từ lâu đã rất thèm muốn "miếng bánh" thị phần tài chính tiêu dùng. Bằng chứng là số thương vụ M&A ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến ở cả về số lượng lẫn quy mô trong những năm gần đây. Điều này khẳng định sức hấp dẫn của ngành với nhà đầu tư ngoại đang rất lớn. Sau đây là tổng hợp một số thương vụ M&A đình đám trong ngành tài chính tiêu dùng thời gian qua:
Ngân hàng SCB của Thái Lan thâu tóm 100% Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam là thương vụ được thỏa thuận ngay đầu năm 2024, trị giá 866 triệu USD. Home Credit đặt mục tiêu xác định người mua đối với mảng kinh doanh của mình tại Việt Nam trước cuối năm 2024.
AEON Financial Service Co., Ltd., thành viên thuộc AEON Group, cũng mua lại toàn bộ Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) từ SeABank với giá chuyển nhượng 4.300 tỷ đồng. AEON Group đã đầu tư hơn 1,18 tỷ USD vào Việt Nam và dự kiến mở rộng lên 30 trung tâm thương mại với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, tạo ra 50.000 việc làm.
Năm 2021, Ngân hàng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan đã mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Tháng 5 vừa qua, SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ đầu tiên cho Krungsri, đưa nhân sự Thái Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SHB Finance.
Năm 2021, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC của Nhật Bản đã hoàn tất việc mua lại 49% vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) từ VPBank với giá trị gần 1,4 tỷ USD, một phần trong chiến lược mở rộng tại châu Á của Sumitomo Mitsui Financial Group.
Năm 2018, Lotte Card của Hàn Quốc đã chi gần 1.700 tỷ đồng để mua lại Techcom Finance từ Techcombank.
Ngân hàng TMCP Quân đội và Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) đã bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho Shinsei Bank và Tập đoàn Saison của Nhật Bản.
Hiện tại, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đang tiến hành làm việc với nhiều đối tác để bán một phần hoặc toàn bộ vốn góp tại công ty tài chính FCCOM.
Ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng M&A mạnh mẽ từ dòng vốn đầu tư ngoại. Sự đổ bộ của dòng vốn đầu tư ngoại không chỉ mang lại nguồn vốn lớn giúp các doanh nghiệp trong ngành nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành tài chính tiêu dùng trong dài hạn.
Hiện trong số 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động tại Việt Nam thì chỉ có 5 công ty tài chính chưa có đối tác ngoại, trong đó đáng chú ý nhất là Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) có vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng. EVNFinance là công ty tài chính duy nhất đang niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (mã chứng khoán EVF) và được đánh giá là công ty tài chính đang được hưởng lợi trong xu hướng này.
Như vậy, kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đà tăng này sẽ là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh nhu cầu đầu tư của khối ngoại đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng dựa vào sức hút và tiềm năng hấp dẫn của ngành. Đây thực sự là Miếng bánh hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại trong thập kỷ tới.
Xem thêm tại cafef.vn