Ngành thép hướng tới phục hồi trong nửa cuối năm 2024

Trở lại ấn tượng

Số liệu từ Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), tổng tiêu thụ thép thành phẩm 6 tháng đầu năm 2024 của đơn vị này ước đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép cán dài tăng 13%, thép cán nguội và tôn mạ tăng trưởng trên 90%.

Thép xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ thép thành phẩm của Vnsteel, sản lượng thép xây dựng ước đạt 1,13 triệu tấn, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Sức mua tăng trở lại, thị trường có sự cải thiện đã giúp các nhà sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ, trong đó một số đơn vị có sản lượng tiêu thụ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như Tisco, Vina Kyoei, Natsteelvina.

Dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10%. Ảnh: Hải Linh
Dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10%. Ảnh: Hải Linh

Tiêu thụ tôn mạ trong hệ thống Vnsteel ước đạt 222.000 tấn, tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm 2023, nổi bật là Tôn Phương Nam, trong đó tiêu thụ nội địa tăng hơn 70% và xuất khẩu tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thép cán nguội tiêu thụ tôn mạ tăng trưởng tốt giúp nhu cầu tiêu thụ và gia công thép cán nguội gia tăng, cả 2 đơn vị Công ty TNHH Thép tấm lá Phú Mỹ và Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất tăng cường phối hợp hệ thống và tận dụng cơ hội đẩy mạnh tối đa sản lượng chính phẩm và gia công với tổng sản lượng ước đạt trên 388.600 tấn, tăng trưởng rất tốt so với cùng kỳ năm trước.

"Có thể thấy, ngoài việc tận dụng tốt cơ hội thị trường và những ảnh hưởng tích cực từ nền kinh tế mang lại, nhờ làm tốt công tác dự báo nhận định bối cảnh, tình hình thị trường để đưa ra được các giải pháp quản trị, quyết định sản xuất, kinh doanh phù hợp và nhờ quyết tâm vượt khó, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống nên Vnsteel cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024" - đại diện Vnsteel cho biết.

Tín hiệu lạc quan

Theo báo cáo của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhu cầu tiêu thụ nội địa đang có dấu hiệu hồi phục tốt khi tiêu thụ thép xây dựng, thép ống tăng lần lượt tăng. Nhu cầu nội địa dần gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của Tập đoàn Hòa Phát, khi lĩnh vực bất động sản dân cư dần hồi phục. KBSV kỳ vọng tiêu thụ thép của HPG tăng 18% và 12% trong năm 2024 và 2025.

Công ty chứng khoán này duy trì quan điểm ngành thép đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ mới và kỳ vọng giá thép sẽ quay trở lại tăng. Hiện tiến độ xây dựng của Dung Quất 2 hiện tại vẫn đang theo kế hoạch và dự kiến sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm, lò cao đầu tiên đi vào hoạt động với công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, KBSV dự đoán giá thép sẽ được hỗ trợ nhờ nhu cầu nội địa gia tăng, làm giảm áp lực điều chỉnh và cạnh tranh với giá thép Trung Quốc. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm, điều này sẽ giúp biên lãi gộp của các DN sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.

Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng của ngành thép từ năm 2025 đến năm 2027 được đánh giá tích cực nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động và thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hồi phục.

Các chuyên gia cho biết, những nỗ lực tiếp theo của ngành thép dự kiến ​​sẽ tích cực nâng cấp công nghệ luyện thép, tối ưu hóa quy trình sản xuất và thúc đẩy tái chế để chuyển đổi ngành công nghiệp thép sử dụng nhiều năng lượng sang carbon thấp nhằm thúc đẩy phát triển chất lượng cao.

Các động thái như vậy sẽ giải quyết những thách thức do Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu đặt ra và áp lực từ các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô đang rất cần vật liệu thép thân thiện với môi trường.

Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nhìn nhận: "CBAM định giá carbon phát thải trong quá trình sản xuất hàng hóa sử dụng nhiều carbon nhập khẩu vào EU. Cơ chế này đã bắt đầu hoạt động thử nghiệm vào tháng 10 năm ngoái và sẽ được triển khai từ năm 2026 trở đi. Điều này sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu các sản phẩm thép thêm 4 - 6% (bao gồm cả phí cấp chứng chỉ), điều này sẽ dẫn đến khoản chi bổ sung lên đến hàng triệu USD cho các DN thép hàng năm".

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi. Điều này một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn