Ngày 13/7: Giá tiêu tăng nhẹ, cà phê và cao su giảm
Giá tiêu hôm nay tăng 1.000 đồng/kg tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Ảnh tư liệu

Giá tiêu tăng nhẹ vào cuối tuần

Ghi nhận mới nhất, giá tiêu hôm nay tăng 1.000 đồng/kg tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, hiện đang ở mức 154.000 đồng/kg. Thương lái tại Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai tiếp tục thu mua hồ tiêu với giá 153.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới thế giới, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,28%, trong khi giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 11/7; giá thu mua tiêu trắng Muntok tăng 0,28% và giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có thay đổi mới.

Chia sẻ với VTV Online, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, giá hồ tiêu trong nước tăng đẩy giá hồ tiêu xuất khẩu tăng và có thể kỳ vọng ngành hồ tiêu sẽ thu về tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.

Không chỉ vậy, tại thị trường thế giới cũng được dự báo giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Tại thị trường nội địa, giá hồ tiêu đen tăng mạnh do nguồn cung hạn chế, song người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định.

Về phía các doanh nghiệp trong nước, VPSA khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cẩn trọng trong hoạt động thu mua và xuất khẩu để tránh gặp rủi ro tương tự như giá cà phê, hay lúa thời gian qua.

Cập nhật giá cao su

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 0,44% về ở mức 319,1 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h ngày 13/7 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 0,75% ở mức 14.530 Nhân dân tệ/tấn.

Trong tháng 6/2024, giá mủ chén và mủ nước tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tại một số công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 350 - 405 đồng/TSC, tăng khoảng 100 - 160 đồng/TSC so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 350-405 đồng/TSC; Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua ở mức 382-386 đồng/ TSC; Công ty Cao su Bà Rịa thu mua ở mức 380- 390 đồng/TSC, tăng 15 - 24 đồng/TSC so với cuối tháng 5/2024.

Hiện đang là thời điểm vào vụ thu hoạch lại sau thời gian ngừng cạo mủ trong mùa thay lá. Tuy nhiên, lượng cao su đưa ra thị trường giảm mạnh vào thời điểm mà phần lớn những người tham gia thị trường đều kỳ vọng nguồn cung sẽ tăng.

Lượng hàng đến thị trường thấp bất ngờ làm dấy lên lo ngại về nguồn sẵn có của nguyên liệu thô, nhất là nguyên liệu cho các công ty chế biến. Tình trạng này đã khiến giá mủ chén và mủ tươi tăng mạnh ở nhiều thị trường địa phương. Giá mủ cao su và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, đã tiêu thụ được 150.000 tấn mủ cao su, hoàn thành 28,5% kế hoạch năm, với giá bán bình quân đạt 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023, là một tín hiệu tích cực cho những tháng cuối năm. Với các diễn biến hiện tại, giá bán cao su của cao su Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong nửa cuối năm nay.

Giá cà phê quay đầu giảm

Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới quay đầu giảm trở lại. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2024 được ghi nhận tại mức 4.510 USD/tấn, giảm 1,44%; Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tại New York ở mức 243,15 UScent/pound sau khi giảm 0,69%.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 5, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực Nam Mỹ tiếp tục tăng mạnh 59,6% lên 5,5 triệu bao. Qua đó đưa tổng xuất khẩu của khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 lên mức 44,3 triệu bao, tăng 33,7% so với cùng kỳ 2022 - 2023.

Đà tăng trưởng tích cực này đến từ Brazil, nơi chứng kiến ​​xuất khẩu tăng tới 79,1% lên mức kỷ lục mới là 4,4 triệu bao vào tháng 5.

Theo ICO, đà tăng mạnh mẽ của khu vực Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng chủ yếu là do vụ thu hoạch bội thu của Brazil trong niên vụ 2022-2023 và 2023 - 2024, với sản lượng ước tính tăng lần lượt 8,4% và 9,2%.

Bên cạnh đó, sản lượng robusta từ Việt Nam và Indonesia giảm đã mở ra cơ hội lớn cho Brazil đẩy mạnh xuất khẩu và lấp đầy khoảng trống nhu cầu của thị trường.

Trái ngược với khu vực Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê các loại từ châu Á và châu Đại Dương đã giảm mạnh 39,3% xuống còn 2,4 triệu bao trong tháng 5. Tổng cộng xuất khẩu của khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ đã giảm 7,2% xuống còn 29,9 triệu bao.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực, giảm 46,9% xuống còn 1,36 triệu bao trong tháng 5. Đây đã là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp và tháng thứ 6 kể từ đầu niên vụ đến nay.

Kết quả là tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 chỉ đạt 20,28 triệu bao, giảm 6,6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Sự sụt giảm mạnh này chủ yếu là do tồn kho trong nước gần như đã cạn kiệt, trong khi vẫn còn khoảng hơn 3 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch 2024-2025.

Tương tự, xuất khẩu cà phê của Indonesia trong tháng 5 đã giảm tới 67,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 0,2 triệu bao. Lượng xuất khẩu thấp là do sản lượng cà phê nước này trong niên vụ 2023-2024 ước tính giảm xuống còn 10 triệu bao từ mức gần 12 triệu bao của niên vụ cà phê trước./.