Ngày chuyển mình của HAGL Agrico

hng-a

Các sản phẩm của HAGL Agrico. Nguồn: HNG

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG) thông báo ngày 25/1 là ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông về việc lập dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp với chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào.

Trước đó, doanh nghiệp công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc thành lập công ty con sở hữu 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào theo chủ trương nhận sáp nhập Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attepeu và Công ty TNHH Công nghiệp và Nông nghiệp Cao su Hoàng Anh Quang Minh để thực hiện dự án đầu tư tại Lào.

Công ty này có vốn đăng ký 8.300 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh khách sạn, kinh doanh vật tư, máy móc nông nghiệp, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật… HAGL Agrico cử ông Trần Bảo Sơn đại diện phần vốn góp, làm Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết đây là dự án nông nghiệp quy mô lớn hướng đến tích hợp - tuần hoàn, tổng diện tích 27.384 ha. Trong đó, các loại cây chuyên canh phát triển trên diện tích 10.000 ha gồm cây chuối (8.000 ha) và dứa (2.000 ha); trồng cây ăn trái kết hợp nuôi bò sinh sản, bò thịt là 14.000 ha (5.000 ha cây ăn trái: xoài, bưởi, sầu riêng), quy mô đàn bò 210.000 con.

Ngoài ra, dự án còn có khu công nghiệp sản xuất - chế biến rộng 200 ha, gồm cụm các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp; cụm các nhà máy sản xuất chế biến trái cây và nông sản; cụm văn phòng, tổng kho và trung tâm điều hành logistics.

HAGL Agrico là công ty nông nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) thành lập năm 2010. Vào năm 2018, nhóm công ty của bầu Đức gặp khó khăn tài chính nên ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco tham gia hỗ trợ. Vào tháng 8/2018, Thaco đầu tư mua và sở hữu 27,63% vốn HAGL Agrico. Đến đầu 2021, HAGL rút khỏi và Thaco chính thức tiếp quản điều hành dự án của HAGL Agrico.

Ban đầu, doanh nghiệp trồng và khai thác cao su, mía đường, cọ dầu và chăn nuôi bò. Tuy nhiên, từ 2016, công ty thu hẹp mảng chăn nuôi bò và tập trung vào trồng cây ăn trái như chuối, xoài, mít, bưởi… Tại thời điểm Thaco vào tiếp quản, HAGL Agrico có 19.707 ha cây ăn trái đã trồng, trong đó 8.794 ha đã đi vào khai thác. Sản phẩm chủ lực mang lại nguồn thu chính là chuối, tỷ trọng đóng góp doanh thu lên đến 80% vào 2020. Bên cạnh đó, mảng cao su mang lại doanh thu vài trăm tỷ mỗi năm. Chuối của HAGL Agrico xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, sản phẩm đã lên kệ hầu hết siêu thị lớn ở quốc gia này.

Trong năm đầu tiên (2021), doanh nghiệp tổ chức quy hoạch trồng mới, chăm sóc và thu hoạch các loại cây ăn trái chủ lực, khai thác vườn cao su hiện hữu. Qua năm 2022, công ty tập trung đầu tư xây dựng hệ thống công trình giao thông – thủy lợi – điện, các công trình trên đất, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất, cải tạo và chăm sóc vườn cây hiện hữu chuối, dứa, xoài… Đồng thời, HAGL Agrico thực hiện chuyển đổi các diện tích cây ăn trái và cao su không hiệu quả sang đầu tư nuôi bò.  

Tính đến cuối 2022, công ty có tổng diện tích trồng trọt 35.757 ha, gồm 27.383 ha tại Lào và 8.374 ha tại Campuchia.

Chủ tịch HAGL Agrico bày tỏ sau thất bại trong việc trồng cao su (do thổ nhưỡng), trồng chuối, nuôi bò (do không tính toán được về hạ tầng, điện, mặt bằng, cộng thêm dịch Covid-19), doanh nghiệp đã nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những sai sót về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng, như điện, nước, thủy lợi, nước tưới, hay cơ sở vật chất như nhà ở công nhân, các xưởng đóng gói và các yêu cầu về đầu tư đồng bộ khác để cho ra được mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng tích hợp - tuần hoàn.

Mô hình này hướng đến chuỗi sản xuất công nghiệp trong nông nghiệp, khép kín và không lãng phí. Ông Dương lấy ví dụ như nuôi bò thì dùng những trái cây thải loại cho ăn, dùng phế phẩm để làm chất độn chuồng, phân xanh rồi dùng phân bò làm phân hữu cơ bón cho cây ăn trái. Ngay cả bồn chứa nước cũng nuôi cá, vi sinh nước này và tiến tới từng bước không có thải loại trong nông nghiệp.

Nhìn lại, Thaco tham gia vào HAGL Agrico trong bối cảnh vô cùng không thuận lợi, dịch bệnh COViD-19 khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, giá phân bón, vật tư, cước vận tải tăng cao, thị trường lớn nhất Trung Quốc hạn chế giao thương để ngừa dịch bệnh và mới mở lại đầu 2023. Đồng thời, doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí chuyển đổi vườn cây như cao su, cọ dầu và cây ăn trái từ 2020 trở về trước hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, vào cuối 2022, ảnh hưởng cơn bảo Noru khiến hơn 1.200 ha các vườn cây bị hư hại, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng, đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào.

Do vậy, doanh thu công ty giảm dần và lỗ khủng 2 năm 2021 – 2022. Cho đến 9 tháng năm nay, doanh thu tiếp tục giảm 21% xuống 438 tỷ đồng, song lỗ ròng còn 446 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 1.086 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lỗ lũy kế tăng lên 7.003 tỷ đồng.

hng-loi-nhuan

Dù kết quả kinh doanh chưa khởi sắc nhưng ban lãnh đạo HAGL Agrico tin rằng với chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hưu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa, công nghiệp sinh học vào số hóa, công ty sẽ phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo.

Cổ phiếu HNG sau thời gian dài giảm giá xuống đáy 3.300 đồng/cp thì từ đầu tháng 11 bắt đầu đi lên vùng 5.000 đồng/cp, tức tăng 50% trong vòng hơn 2 tháng. Dù vậy, cũng cần lưu ý là HAGL Agrico đã lỗ 2 năm liên tiếp, nếu năm 2023 tiếp tục không có lãi cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Xem thêm tại nhadautu.vn