Ngay sau tuyên bố giải thể, quỹ ETF ngoại quy mô 425 triệu USD đã 'xả' 50% cổ phiếu đang nắm giữ tại Việt Nam
Ngày 7/6, Tập đoàn quản lý tài sản Blackrock đã ra thông báo giải thể quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF - một quỹ ETF chuyên đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi được thành lập năm 2012.
Tổng tài sản của quỹ vào khoảng 425 triệu USD, trong đó, cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 28%. Thời gian đóng không sớm hơn ngày 12/8. Hiện tại, quỹ ETF trên dự kiến ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo, mua lại sau khi thị trường đóng cửa ngày 31/3/2025.
Theo dữ liệu từ BSC Research, ngay sau khi ra thông báo, kể từ ngày 7/6 đến hết ngày 18/6 quỹ này đã giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam từ 28% xuống còn 13,77%, tương đương giá trị còn lại khoảng 50,22 triệu USD (khoảng 1.256 tỷ đồng). Áp lực bán mạnh nhất diễn ra trong 2 ngày là 10 - 11/6 sau đó tốc độ thanh lý tài sản đang có phần chững lại và giữ ở mức 13,77%.
Các cổ phiếu (cp) bị bán ròng mạnh nhất gồm: HPG (6,9 triệu cp), VHM (3,5 triệu cp), VIC (2,9 triệu cp), VNM (1,7 triệu cp), MSN (1,1 triệu cp)...
Nguồn: BSC Research |
Khối ngoại bán ròng hơn 44.000 tỷ trên HoSE
Với quy mô nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên thị trường Việt Nam, việc Blackrock bán hết danh mục cũng không quá đáng kể khi thanh khoản trung bình mỗi phiên của VN-Index lên đến hơn 20.000 tỷ đồng.
BSC Research cho rằng áp lực bán ròng từ quỹ này sẽ giảm bớt trong thời gian tới và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Thay vào đó, nhà đầu tư cần lưu ý hơn đến diễn biến các quỹ chủ động, ETF quy mô lớn trên thị trường như Fubon, Diamond...
Thống kê cho thấy, giai đoạn 1/1 - 21/6, khối ngoại đã bán ròng hơn 44.000 tỷ đồng với các cổ phiếu niêm yết trên HoSE. Ngày 7 - 18/6 (thời điểm Blackrock bán ra), tổng khối ngoại bán ròng khoảng 7.450 tỷ đồng.
Ngoài ra, Việt Nam cần sớm cải thiện các tiêu chí còn vướng mắc theo nhận định của FTSE, MSCI để hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên mới nổi mà Chính phủ đã đề ra vào năm 2025. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để TTCK Việt Nam thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn mới cũng như mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước.
Theo ước tính của World Bank, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi thì có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn