Nghị quyết số 02: Động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng năm 2024

Vậy, làm thế nào để Nghị quyết số 02/NQ-CP có hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống? Những phân tích, chia sẻ của Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

PV: Trước tiên xin cảm ơn Bà Nguyễn Minh Thảo đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa bà, trong bối cảnh chung của nền kinh tế với nhiều khó khăn như hiện nay, theo bà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 có ý nghĩa như thế nào ạ?

Bà Nguyễn Minh Thảo trả lời:

Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01 của Chính phủ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội. Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01 nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt và thậm chí nhiều nơi không chú trọng thực hiện. Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp; và vì thế nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.

Sang năm 2024, với việc ban hành Nghị quyết số 02 ngay trong những ngày đầu năm đã thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với những khó khăn của doanh nghiệp. Việc khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh như đã thực hiện theo Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP trước đây nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Với sự trở lại của Nghị quyết số 02 mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, Nghị quyết số 02 kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Nghị quyết số 02: Động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng năm 2024 ảnh 1

PV: Vâng, thưa bà, vậy các giải pháp, nhiệm vụ của Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 có mở rộng hơn và hướng tới giải quyết các vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp hiện nay không thưa bà?

Bà Nguyễn Minh Thảo trả lời:

Kể từ năm 2014, các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xây dựng với mục tiêu, giải pháp cụ thể, dựa trên các bộ chỉ số xếp hạng uy tín của quốc tế. Cách tiếp cận này cho chúng ta nhận diện được mức độ cải cách theo thời gian và tương quan với các nền kinh tế khác, và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tham khảo để lựa chọn thị trường, quyết định đầu tư. Đặc biệt, việc lựa chọn tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế nhằm tạo áp lực cho các cơ quan, tổ chức trong nước chuyển động cải cách, thúc đẩy quá trình xây dựng chính sách tốt hơn.

Tại Nghị quyết số 02 năm 2024, Chính phủ tiếp tục duy trì cách tiếp cận này, xác định các mục tiêu theo chuẩn mực quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như: Phát triển bền vững thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; và An toàn an ninh mạng thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp thành lập nhiều hơn, hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và số doanh nghiệp dừng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa giảm đi, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Đó là: (1) Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; (2) Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; (3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; (5) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; (6) Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; và (7) Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh. Những nhóm giải pháp này hướng tới giải quyết các vướng mắc, bất cập cụ thể và đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Có những giải pháp có thể thực hiện ngay; có những giải pháp cần có sự phối hợp và hoàn thiện trong dài hạn hơn. Đây cũng là điểm đặc trưng của nghị quyết này, một mặt, đưa ra các vấn đề ngắn hạn, nhưng cùng với đó là giải quyết các vấn đề trung và dài hạn. Có thể nói, các giải pháp đề ra tại Nghị quyết nhằm củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Nghị quyết số 02: Động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng năm 2024 ảnh 2

PV: Vậy để Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 thực sự có thể tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp thì các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện cũng như cả cộng đồng doanh nghiệp cần có những lưu ý gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Minh Thảo trả lời:

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đem lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp thì khâu tổ chức thực thi phải đặc biệt được quan tâm, chú trọng. Có 3 điểm đáng chú ý để thực sự có thể tạo đà phát triển các doanh nghiệp cũng như tháo gỡ được các bất cập. Trước hết, vai trò chủ động và trực tiếp chỉ đạo của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương là yếu tố quan trọng quyết định thành công của cải cách. Ở đâu, lĩnh vực nào có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao và trách nhiệm của người đứng đầu thì địa phương đó, lĩnh vực đó có sự chuyển biến khác biệt, tạo cơ hội kinh doanh bứt phá. Thứ hai, cơ chế đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập về quá trình thực thi cũng là yếu tố tác động tới hiệu quả cải cách. Theo đó, sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ là cần thiết để tạo áp lực thúc đẩy quá trình này. Mặt khác, việc theo dõi, giám sát của các bên độc lập, của các Hiệp hội, của cơ quan truyền thông cũng đặc biệt có ý nghĩa, góp thêm quan điểm đánh giá khách quan, từ đó tạo động lực thay đổi thực chất. Thứ ba, sự chia sẻ, đóng góp chủ động, tích cực của doanh nghiệp về kết quả cải cách, các vấn đề tồn và kiến nghị cũng thực sự có ý nghĩa đối với thực thi hiệu quả Nghị quyết.

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

Xem thêm tại tienphong.vn