Nghĩ về khát vọng hóa rồng
“Hóa rồng” luôn là “Giấc mơ Việt”. Đó là giấc mơ về đất nước hùng cường. Là hiện thực hóa khát vọng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thế kỷ XXI đã nói nhiều đến cụm từ “hóa rồng”, “hóa hổ”, mong ước đi lên cùng thời đại.
Từ cuối thế kỷ XX, ở châu Á đã xuất hiện “bốn con rồng kinh tế”. Đó là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Hồng Kông. Bước vào đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế của các nước này đã phát triển và chuyển đổi từ nước công nghiệp mới (NICs) sang giai đoạn mới. Thành công của họ trong phát triển đã truyền cảm hứng cho nhiều nước đang phát triển học hỏi áp dụng, đặc biệt là những “con rồng” mới của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Với Việt Nam, công cuộc Đổi mới đã làm cho bộ mặt đất nước thực sự thay đổi. Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Năm 2012, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong khối ASEAN.
Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia phát triển tốt nhất thế giới, có mặt trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Kết thúc năm 2022, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (vị trí 26), vượt Indonesia (vị trí 32) và Thái Lan (vị trí 36)..
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 5% (bình quân hai năm 2022 - 2023 đạt 6,6%), cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu. Theo đó, GDP Việt Nam đạt quy mô xấp xỉ 450 tỷ USD. Năm 2023, “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên Hợp quốc. Con người đã và đang được đặt vào vị trí trung tâm của mục tiêu phát triển đất nước.
Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Việt Nam là một trong 10 điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu, trong những năm gần đây.
Tháng 9 năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam, đánh dấu một sự kiện đối ngoại rất quan trọng. Sự kiện này tạo cơ hội thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới mang tính đột phá, đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Mỹ có thể đổ tới Việt Nam trong đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài lần thứ tư. Thực tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn của thế giới.
Không chỉ là nơi nhận đầu tư, Việt Nam đã có 1.667 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD. Về các nước, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, ngoài Lào, Campuchia, Venezuela, Cu Ba, Myanmar... hiện đã có những dự án lớn đầu tư sang Hoa Kỳ như dự án sản xuất ô tô điện của Tập đoàn Vingroup.
Để đạt được mục tiêu “hóa rồng”, Đại hội XIII Đảng ta đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng).
Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII khẳng định “Cải cách thể chế là một trong những đột phá quan trọng”. Cải cách thể chế theo mô hình “Chính phủ kiến tạo phát triển” vẫn là vấn đề vừa nghiên cứu, vừa hiện thực hóa.
Với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển”, tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Chính phủ sẽ chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp FDI; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... Việt Nam đã và đang làm nhiều việc để giải quyết các “điểm nghẽn”, làm cho đất nước ta trở thành “vùng đất hứa” của các “đại bàng” quốc tế.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo năng lượng cho đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức... đã và đang là hướng ưu tiên trong tiến trình phát triển của đất nước.
Các năm Thìn trong lịch sử đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử lớn lao, ghi đậm dấu ấn quật khởi của nước Việt. Đó là Mậu Thìn (248) Khởi nghĩa Bà Triệu, Mậu Thìn (548) Triệu Quang Phục xưng vương, Mậu Thìn (968) quốc hiệu Đại Cồ Việt ra đời, Canh Thìn (980) Lê Hoàn lên ngôi, đánh tan giặc xâm lược nhà Tống...
Trong lịch sử hiện đại, năm Bính Thìn (1976) Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất, Mậu Thìn (1988) Đảng ta ban hành Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp...
Có một năm Giáp Thìn thời hiện đại đã tập trung sức mạnh dân tộc to lớn. Đó là năm Giáp Thìn (1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt kêu gọi toàn dân đoàn kết đương đầu với chiến dịch đánh phá ra miền Bắc của Mỹ. Cả dân tộc đã quyết tâm, đã chiến thắng để đi tới thống nhất đất nước.
Giáp Thìn 2024 này là vừa tròn một hoa giáp đã qua thời điểm ấy. Lại đang mở ra bối cảnh mới, tạo lập những năng lượng sáng tạo mới cùng với sức tập hợp đoàn kết mới. Năm 2024 sẽ là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đề ra mục tiêu cho 3 giai đoạn 2025, 2030 và 2045. Theo đó, đến năm 2045, Kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chúng ta cùng suy ngẫm, cùng nâng niu, tận dụng cơ hội lịch sử này để vun đắp cho khát vọng hóa rồng của đất nước. Trước mắt dân tộc ta là những dấu mốc mang đến rất nhiều cảm hứng phấn đấu cho niềm tự hào về một quốc gia đang trên hành trình Thăng Long. Rồng Việt nhất định sẽ bay lên cao!
Xem thêm tại nhadautu.vn