Nghịch lý: Doanh nghiệp phân bón mong đợi được áp thuế GTGT
Bất cập đến từ chính sách ưu đãi
Để thực hiện chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 (Luật 71) nhằm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12.
Trong đó quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra. Theo đó, Luật 71 có kỳ vọng giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp.
>>Dự kiến bổ sung nhiều quy định mới về hoàn thuế GTGT
Tuy nhiên, sau 9 năm có hiệu lực, Luật 71 đã bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Nguyên nhân theo TS. Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà cả ngành nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn từ 5 đến 8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
“Ước tính với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua”, ông Hà đánh giá.
>>Đề xuất quy định mới về giá tính thuế GTGT
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Viện ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận xét, mặt hàng phân bón đưa vào đối tượng không chịu thuế lại có nhiều bất cập.
Thứ nhất, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập khẩu.
Thứ hai, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%.
Thứ ba, khi mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT thì đương nhiên, doanh nghiệp không được khấu trừ GTGT đầu vào khi bán ra trong nước trong khi phần lớn đầu vào có thuế suất 10%. Số GTGT đầu vào không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất dẫn đến chi phí tăng cao, biên lợi nhuận giảm, không khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới tài sản cố định.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chuyển hướng sang xuất khẩu vì xuất khẩu vẫn được hoàn thuế GTGT do có thuế suất 0% làm cho cung về phân bón giảm, càng làm tăng giá bán phân bón tại thị trường trong nước”, bà Hà cho biết.
Cuối cùng, mục tiêu ban đầu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được. Nông dân vẫn phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm.
Nghịch lý doanh nghiệp phân bón mong đợi được áp thuế GTGT
Hiện, Bộ Tài chính đang thực hiện lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng loạt thay đổi quan trọng. Đáng chú ý, Dự thảo mới dự kiến chuyển các hàng hóa không chịu thuế GTGT sang chịu thuế suất thuế GTGT 5% bao gồm phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Kiến nghị thay đổi thuế suất đối với mặt hàng phân bón đã được nhiều doanh nghiệp trong nước đề xuất nhiều năm nay. Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp phân bón đều mong muốn đề xuất này sớm được thông qua để giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm được giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cũng như tạo một động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, cho hay: "Nếu được như vậy sẽ giúp doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm được từ 150-200 tỷ mỗi năm. Điều này sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm".
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Phùng Hà nhìn nhận về hiệu quả của việc áp dụng thuế GTGT như sau: Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất nhận được 5% đầu vào của dịch vụ, của nguyên liệu đầu vào thì người ta sẽ tìm cách giảm giá thành sản xuất.
Thứ hai, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu sẽ giảm.
Thứ ba, khi được khấu trừ 5% thì khá nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, sản phẩm mới để ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón có hàm lượng công nghệ cao
“Mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng gần 11 triệu tấn phân bón trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất được khoảng hơn 6 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. Nếu mặt hàng phân bón được chịu thuế GTGT, kéo theo giá thành sản phẩm giảm thì cũng có lợi cho bà con nông dân, giúp chi phí đầu tư cho nông nghiệp cũng giảm”, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác.
Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.
>>Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng
Xem thêm tại nguoiquansat.vn