Nghìn nhân sự ngành thép 'mất việc' năm 2023, Hoa Sen (HSG), Pomina gây bất ngờ

Tại báo cáo thường niên (niên độ tài chính 2022-2023) vừa được Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG - HoSE) công bố, đơn vị cho biết, tại thời điểm kết thúc năm tài chính (ngày 30/9/2023), doanh nghiệp ghi nhận tổng cộng 7.402 lao động. Con số này thấp hơn gần 600 lao động so với niên độ trước đó đồng thời ngắt chuỗi tăng trưởng nhân sự giai đoạn 2019-2022.

Nghìn nhân sự ngành thép 'mất việc' năm 2023, Hoa Sen (HSG), Pomina gây bất ngờ
Nguồn: Báo cáo thường niên 2022-2023 của Tập đoàn Hoa Sen

Đáng chú ý, ngay cả trong niên độ tài chính 2021-2022 khi Hoa Sen báo lỗ kỷ lục gần 1.070 tỷ đồng, số lượng nhân sự của công ty tại thời điểm 30/9/2022 vẫn tăng 5,4% lên mức kỷ lục, gần 8.000 người.

Kết thúc niên độ kinh doanh gần nhất, Tập đoàn Hoa Sen của doanh nhân Lê Phước Vũ đạt doanh thu 31.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ.

Nghìn nhân sự ngành thép 'mất việc' năm 2023, Hoa Sen (HSG), Pomina gây bất ngờ

Nhiều nhân sự ngành thép 'mất việc'

Không chỉ Hoa Sen, hoạt động cắt giảm nhân sự cũng được ghi nhận ở CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã SMC - HoSE) - đơn vị đóng đại bản doanh tại TP. HCM.

Cuối năm 2022, tổng số nhân sự của SMC là 1.399 lao động - tăng 67 người so với năm trước đó bất chấp việc công ty báo lỗ kỷ lục 652 tỷ đồng và doanh thu cao nhất lịch sử, gần 23.200 tỷ.

Trong năm 2023, SMC từng thống nhất chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự trong hệ thống để đảm bảo duy trì hoạt động.

Dù vậy, sau 9 tháng, công ty vẫn báo lỗ sau thuế thêm 586 tỷ đồng, doanh thu trong cùng thời điểm giảm 44% so với cùng kỳ, còn hơn 10.500 tỷ. Tại thời điểm 30/9/2023, Thương mại SMC đang lỗ lũy kế 206 tỷ đồng.

CTCP Thép Pomina (Mã POM - HoSE) - doanh nghiệp "đóng quân" tại tỉnh Bình Dương cũng chứng kiến sự bốc hơi thị phần trong nhiều năm qua. Pomina hiện có 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất 2,6 triệu tấn và khoảng 1.100 lao động.

Trong quá khứ, Pomina từng là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam và có thị phần cao hơn Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HoSE). Thời điểm năm 2010, Pomina chiếm 17% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong khi Hòa Phát chỉ chiếm 12% thị phần.

Chiến lược của hãng thép có trụ sở tại Bình Dương là tập trung ở phân khúc trọng điểm thép xây dựng và tập trung tại thị trường trọng điểm miền Nam.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, doanh thu bán hàng thấp trong bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với chi phí giá vốn cao khiến Pomina mất thị phần vào tay các đối thủ trong nước. Kinh doanh dưới giá vốn và áp lực chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp này lỗ ròng kỷ lục 1.078 tỷ đồng trong năm 2022 (mức lỗ nặng nhất ngành thép).

Sang năm 2023, Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ. Tuy nhiên sau 9 tháng, công ty mới đạt vỏn vẹn 2.948 tỷ đồng doanh thu - giảm 74% YoY trong khi lỗ sau thuế tới 647 tỷ. Lỗ luỹ kế tới ngày 30/9 tăng lên mức 868 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh, đầu năm 2024, thị trường thép có thể khởi sắc nhờ đầu tư công. Tuy nhiên, tiêu thụ tăng nhiều lắm chỉ từ 15-20% vì nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản.

>> Hoa Sen (HSG) lên kế hoạch IPO một công ty con ngay trong năm 2024

Xem thêm tại nguoiquansat.vn