Ngoài Vingroup, những doanh nghiệp niêm yết nào đang tham gia vào quá trình phát triển ngành xe điện?
CTCP MaSan High - Tech Materials (MSR): Phát triển pin vonfram
Ngày 1/12 vừa qua, CTCP Tập đoàn Masan đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc góp bổ sung 510 tỷ đồng vào vốn điều lệ của Công ty TNHH The Sherpa (công ty con do Masan nắm 100% vốn). Việc góp vốn này nhằm thực hiện giao dịch mua cổ phần của Nyobolt Limited, 1 công ty chuyên cung cấp giải pháp pin li-ion sạc nhanh. Đây cũng là công ty duy nhất trong lĩnh vực chế tạo pin ứng dụng vonfram.
Vonfram là 1 kim loại cứng gần bằng kim cương và có mật độ năng lượng cao hơn, được sử dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, năng lượng và linh kiện bán dẫn.
Sản phẩm pin của Nyobolt |
Hiện nay, Masan High-Tech Materials (MHT) đang sở hữu nguồn cung ổn định từ mỏ vonfram đa kim Núi Pháo và là 1 trong những nhà sản xuất vonfram và vật liệu tích hợp lớn nhất trên toàn cầu (ngoài Trung Quốc), với các nhà máy chế biến và tái chế vonfram chất lượng cao đặt tại Đức, Việt Nam, Canada và Trung Quốc.
Riêng với mỏ Núi Pháo, sản lượng vonfram từ địa điểm này chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu (không tính nguồn cung từ Trung Quốc), có quy mô lớn thứ 2 thế giới.
Hòa Phát (HPG): Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Hòa Phát - ông Trần Đình Long đã tiết lộ kế hoạch sản xuất tôn silic, 1 nguyên liệu chiến lược trong ngành công nghiệp điện, đặc biệt là động cơ ô tô điện.
Đối với ngành ô tô điện, tôn silic giữ vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất và tuổi thọ của động cơ. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp sản xuất tôn silic nhưng chỉ dừng ở việc nhập khẩu nguyên liệu và gia công khâu cuối cùng.
Hòa Phát quyết định bước vào lĩnh vực này với tham vọng tự sản xuất từ gốc, đảm bảo kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị. Việc này không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để thực hiện giấc mơ mới này, trong tháng 11/2024, Thép Hòa Phát Dung Quất đã phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao.
Đội ngũ cán bộ nhân viên Thép Hòa Phát Dung Quất được bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao (Nguồn: Báo Quảng Ngãi) |
Đối với thép kỹ thuật điện (tôn silic), khóa học trang bị các kiến thức cơ bản và nâng cao, các đặc tính cơ học và hóa học giúp thép kỹ thuật điện trở thành vật liệu lý tưởng trong sản xuất máy biến áp và các thiết bị điện tử; công nghệ nấu luyện, tinh luyện và đúc phôi thép. Học viên cũng được học công nghệ cán tôn silic và phương pháp xử lý nhiệt để tối ưu hóa các tính chất vật lý và hóa học, đảm bảo sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW): Phát triển trạm sạc
Ngày 22/11, Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái.
Với thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng, PV Power sẽ nghiên cứu giải pháp cung cấp điện xanh và giải pháp tiết kiệm năng lượng cho Tập đoàn Vingroup, xây dựng phương án bán và cung cấp điện cho Tập đoàn Vingroup cùng các đơn vị thành viên với mức giá cạnh tranh.
Đại diện Tập đoàn Vingroup và đại diện PV Power ký kết thoả thuận hợp tác |
Trước đó, PV Power đã đưa vào vận hành thí điểm trạm sạc xe điện đầu tiên và đang chuẩn bị đưa vào vận hành thí điểm trạm thứ 2 cùng tại Hà Nội. PV Power dự kiến đến năm 2035 sẽ phát triển hệ thống 1.000 trạm sạc xe điện trên toàn quốc.
Đặc biệt, PV Power đã ký thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. (Hàn Quốc) trong việc phát triển các trạm sạc xe điện. Được biết, đơn vị này là doanh nghiệp thứ 3 có thể sản xuất và cung cấp nguồn điện plasma bên cạnh những doanh nghiệp Hoa Kỳ và Đức. Gần đây, EN Technologies Inc. mở rộng hoạt động kinh doanh sang bộ sạc ESS và pin xe điện.
CTCP Pin Ắc quy miền Nam (PAC): Cung cấp độc quyền ắc quy chì acid cho VinFast
CTCP Pin Ắc quy miền Nam (Pinaco) được biết đến với việc chuyên sản xuất pin, ắc quy, bao quy gồm các loại pin carbon kẽm thông dụng và các loại ắc quy cho nhiều mục đích sử dụng như: Ắc quy khởi động dùng cho xe ô tô, xe máy, tàu thuyền; ắc quy dân dụng dùng thắp sáng, xe điện; ắc quy công nghiệp các loại.
Thương hiệu tiêu biểu là Pin Con Ó và Ắc quy Đồng Nai - pin phụ tùng ô tô. Hiện nay, khách hàng công ty là những tên tuổi lớn Ford Vietnam, Thaco, VinFast, Vietnam Suzuki, Honda, Piaggio, Yamaha, Mercedes – Benz Vietnam, Hyundai Thành Công.
Đáng chú ý, Pinaco cho biết công ty đã sản xuất được ắc quy chì acid cho xe đạp và xe máy điện, đã đưa ra thị trường. Lãnh đạo PAC cũng lưu ý mỗi chiếc xe hơi điện đều có 1 ắc quy chì acid và hiện công ty đã cung cấp 100% ắc quy chì acid cho xe điện VinFast.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn