Nguyên nhân khiến dự án chống ngập Tp.HCM kéo gần 10 năm gây lãng phí
3 lần tạm dừng thi công trong 10 năm qua
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 và chấp thuận triển khai theo cơ chế đặc thù.
Mục tiêu dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Tp.HCM.
Tổng mức đầu tư là gần 10 nghìn tỷ đồng, khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2018 nhưng thời gian qua, dự án đã phải tạm dừng 3 lần, lần gần nhất là từ tháng 11/2020 đến nay.
Để hỗ trợ Tp.HCM, ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40 tiếp tục triển khai dự án. Còn UBND Tp.HCM đã nhiều lần họp với các bên để tháo gỡ các vướng mắc. Tuy nhiên, dự án 'đắp chiếu' này vẫn chưa thể “chuyển động”.
Theo UBND Tp.HCM, trong nhiều vướng mắc, nguyên nhân chính là chưa có nguồn vốn để hoàn thành công trình.
Cụ thể, việc huy động nguồn vốn thi công hoàn thành công trình xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Bên cạnh đó, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn đối với BIDV khoảng 3.560 tỷ đồng nên trong trường hợp dù được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn, BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư do dự án chưa được thanh toán.
Để tháo gỡ vướng mắc này, UBND Tp.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ xem xét trình Chính phủ ban hành Nghị quyết “chấp thuận cho thành phố thực hiện phương án ủy thác từ ngân sách thành phố cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố để cho Nhà đầu tư vay thực hiện hoàn thành công trình”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính có ý kiến phương án nói trên chưa phù hợp do Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 không có quy định về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Đồng thời, tại Thông báo số 370 của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác Chính phủ thống nhất không có căn cứ pháp lý để tiếp tục ban hành một Nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của dự án như đề nghị của thành phố.
“Do đó, hiện nay chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư tiếp tục hoàn thành công trình”, theo UBND Tp.HCM.
Phát sinh lãi vay hàng ngàn tỉ
Trong khi các phương án gỡ vướng vẫn vướng thì phía chủ đầu tư đang phải từng ngày oằn lưng gánh nợ vì phần chi phí phát sinh. Chưa nói đến những thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị khi dự án kéo dài gần 10 năm qua, phía doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay phát sinh mỗi ngày 1,73 tỉ đồng.
Trong văn bản mới nhất gửi UBND Tp.HCM, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 khẳng định dự án kéo dài do những vướng mắc mà nhà đầu tư không thể giải quyết được và cũng không thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư nên những phát sinh này phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư. Phía Trung Nam nhận định việc này kéo dài càng lâu sẽ càng gây lãng phí đối với ngân sách nhà nước của TP và bản thân nhà đầu tư cũng không thể xác định được chính xác mức độ chi phí của DA.
Nếu ngay từ bây giờ không thực hiện song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của TP để hoàn thành nốt 7% DA còn lại thì sau khi khơi thông nguồn vốn sẽ cần tổng thời gian là 28 tháng (bao gồm dự kiến 12 tháng làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, 4 tháng đàm phán Phụ lục Hợp đồng BT, 12 tháng thi công công trình). Việc kéo dài thêm 16 tháng thủ tục thực hiện này tương ứng tiền lãi vay phát sinh khoảng 845 tỉ đồng. Chưa kể DA kéo dài quá lâu như hiện nay làm chậm phát huy mục tiêu của công trình cũng như gây ảnh hưởng rất xấu về dư luận tạo hiệu ứng phản cảm cho người dân TP.
Để gỡ vướng dự án, UBND Tp.HCM đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp.
Trong đó, đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết Phụ lục Hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán.
Nếu được thông qua, thành phố có thể thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.
Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn