Cụ thể, tại Báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty CP Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (mã ck: SGR), doanh thu thuần của Công ty tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 56 tỷ đồng, chủ yếu thu từ dự án. Lợi nhuận gộp của SGR ghi nhận đạt hơn 37 tỷ đồng, tăng gấp 9,8 lần so với quý II/2023.

Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính lao dốc tới 95%, xuống chỉ còn hơn 2,2 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lại tăng mạnh 34% lên mức 9,4 tỷ đồng.

Theo SGR, doanh thu tài chính kỳ này giảm mạnh do hụt lãi cho vay và lãi chậm thanh toán từ 38,2 tỷ đồng về 0,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nguyên nhân khiến chi phí tài chính kỳ này tăng là do cùng kỳ hoàn nhập 22,3 tỷ đồng nhưng thời điểm quý II/2024 chỉ hoàn nhập 0,12 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng trong quý II phát sinh hơn 58 triệu đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Chi phí tăng cao cộng với doanh thu tài chính giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của SGR giảm mạnh trong quý II.

Sau khi trừ thuế và phí, lợi nhuận sau thuế của SGR là 16 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân nào khiến Địa ốc Sài Gòn chỉ hoàn thành 2% kế hoạch lợi nhuận năm?
Diễn biến cổ phiếu SGR trong 3 tháng trở lại đây. Nguồn: SSI.

Trước đó, tại Báo cáo tài chính quý I/2024, SGR cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Luỹ kế từ đầu năm đến nay của SRG là 76,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 165% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 3,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ.

Năm 2024, SGR đặt mục tiêu doanh thu 628 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 190 tỷ đồng, tăng 48,1% so với thực hiện trong năm 2023.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, SGR mới chỉ thực hiện được 12% chỉ tiêu doanh thu và 2% kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của SGR là 2.107 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3% so với thời điểm hồi đầu năm. Lượng tiền mặt nắm giữ tăng mạnh 68%, lên 92 tỷ đồng. Số tiền phải thu từ khách hàng mua căn hộ cũng tăng gần 17%, lên gần 133 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của SGR là 518,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, SGR ghi nhận tổng cộng 349 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang các dự án như khu đất ở Phan Huy Chú, phường 2, TP. Vũng Tàu là 111,8 tỷ đồng; dự án đường Phú Định, phường 16, quận 8, TP.Hồ Chí Minh là 74,4 tỷ đồng; dự án An Phú, tỉnh Bình Dương là 65,9 tỷ đồng; chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tỉnh Bình Thuận là 30,9 tỷ đồng và 65,9 tỷ đồng đối với các dự án khác.

Tại bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của SGR tính đến cuối quý II là 1.190 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 16,5% so với đầu năm, lên 408 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh khoản vay hơn 56,6 tỷ đồng tại BIDV – chi nhánh Trường Sơn với mục đích bổ sung vốn lưu động.

Công ty CP Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn – Saigonres là doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước: Công ty Xây dựng Kinh doanh nhà Gia Định thuộc Sở Địa chính – Nhà đất TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 108/1999/QĐ-TTg ngày 23/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Công ty chuyên ngành về đầu tư kinh doanh địa ốc, xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, kinh doanh, xuất nhập khẩu vật liệu, cho thuê máy móc thiết bị, tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng, khai thác khoáng sản và nhà ở sinh thái vườn.

Trên thị trường chứng khoán, tính từ đầu năm cho đến ngày 31/7, cổ phiếu SGR tăng gần 38%. Tính đến kết phiên ngày 1/8, cổ phiếu SGR giảm 3,60% so với phiên ngày 31/7, từ 27.800 đồng xuống 26.800 đồng/cổ phiếu.