Nguyên Phó chánh Thanh tra ngân hàng làm thành viên Hội đồng quản trị một ngân hàng sắp hoàn thành tái cơ cấu

Tại đại hội, Ban điều hành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), trình Tờ trình về việc bầu bổ sung 2 thành viên độc lập của Hội đồng Quản trị gồm ông Đào Quốc Tính và bà Cao Thị Thúy Nga.

Giải thích lý do bổ sung nhân sự cao cấp của ngân hàng, Ban lãnh đạo PGBank nhấn mạnh đây là bước đi cần thiết nhằm củng cố năng lực quản trị, tăng cường chất lượng điều hành và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngân hàng trong giai đoạn mới.

Ông Đào Quốc Tính có bằng thạc sĩ tài chính ngân hàng và tiến sĩ kinh tế của Học viện Ngân hàng. Ông Tính có 38 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng; Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và trước đó là Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổng Kiểm soát; Phó Giám đốc Sở Giao dịch; Giám đốc Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền. 

Bà Cao Thị Thúy Nga có bằng thạc sĩ Tài chính - tiền tệ (Học viện Tài chính) và 42 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trước khi trở thành Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của PGBank, bà Nga giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc MBBank, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán MB.

Bà Cao Thị Thúy Nga và ông Đào Quốc Tính (cầm hoa) tham gia HĐQT PGBank.
Bà Cao Thị Thúy Nga và ông Đào Quốc Tính (cầm hoa) tham gia HĐQT PGBank.

Theo ban lãnh đạo PGBank, việc kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị nhằm tăng cường tính minh bạch, khách quan trong quản trị ngân hàng.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PGBank nói: "Với sự gia nhập của hai thành viên Hội đồng quản trị độc lập, sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của PGBank hơn nữa”.

Ông Thắng kỳ vọng các thành viên độc lập sẽ mang đến góc nhìn đa chiều, từ đó giúp Hội đồng quản trị đưa ra những quyết sách phù hợp hơn với yêu cầu thị trường và định hướng phát triển bền vững của PGBank.

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác cũng được thông qua là Tờ trình về việc thay đổi địa điểm trụ sở chính của ngân hàng về toà nhà số 79 Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội . 

PGBank trước đây là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập năm 1993. Năm 2007, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 40% vốn điều lệ. Việc một tập đoàn nhà nước đầu tư một lượng vốn lớn ngoài ngành là không phù hợp nên buộc phải thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ. Bởi vậy, trong khoảng 10 năm, Petrolimex phải tìm đối tác mua lại phần vốn này, trên thực tế đã có ít nhất 3 đơn vị đứng ra tìm hiểu nhưng phải đến khi một tập đoàn lớn trong ngành ô tô xuất hiện thì thương vụ này mới hoàn thành. 

Theo báo cáo tài chính, trong nhiều năm hoạt động PGBank hoạt động khá lành mạnh, không tài trợ cho các sân sau của ông chủ bất động sản hoặc tham gia đầu tư vào các tài sản nhiều rủi ro. Tuy nhiên, do vướng đến vụ thoái vốn của Petrolimex nên hoạt động ngân hàng không nổi trội, các chỉ số tài chính ở mức khiêm tốn và trong diện phải tái cơ cấu để nâng tầm hoạt động cùng với các ngân hàng cùng hệ thống. 

Tháng 12 năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng của PGBank với việc thay đổi nhận diện thương hiệu cùng tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển sau 2 lần đổi tên. Cùng đó, ngân hàng cũng tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng theo phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. 

Xem thêm tại vneconomy.vn