Nhà băng nào chi mạnh tay cho công nghệ nhất?

nh-so(1)

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với các ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ

Trong các năm gần đây, với làn sóng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trở thành ưu tiên cấp thiết, không thể đảo ngược trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Theo đó, ngân hàng số là một phần không thể bỏ qua trong chiến lược phát triển quyết định đến sự “sống còn” của các ngân hàng.

Theo các chương trình, đề án của Chính phủ, kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã đặt ra mục tiêu cụ thể như đến 2025, 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động…

Đồng thời, phát triển ngân hàng số trở thành thước đo cạnh tranh, thu hút người dùng tham gia trong lĩnh vực bán lẻ ngân hàng. Việc đưa ra được dịch vụ thanh toán nhanh, tích hợp nhiều tiện ích, an toàn trở thành điểm thu hút để khách hàng mở thẻ, trở thành khách hàng thân thiết của các ngân hàng. Mặt khác, trải qua dịch bệnh Covid-19, những xu hướng thanh toán mới ngày càng phổ biến như không dùng tiền mặt, không điểm chạm, xa hơn nữa là tiền điện tử, thanh toán xuyên biên giới…

Trước yêu cầu cấp bách của thời cuộc cũng như thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra, các ngân hàng đã chi hàng nghìn tỷ đồng để phát triển các phần mềm, mục tiêu đem lại sự tiện dụng, trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng cũng như tối ưu hóa quy trình vận hành, tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, công nghệ càng phát triển thì các vụ tấn công mạng càng trở nên phổ biến hơn buộc hệ thống ngân hàng phải chú trọng đầu tư cho vấn đề bảo mật, an toàn thông tin mạng. Mới đây, 2 doanh nghiệp lớn đã bị tấn công mạng là VNDirect (mã: VND) và PV Oil (mã: OIL) gây tê liệt toàn bộ hệ thống, đòi hỏi thời gian xử lý dài gây tổn hạn cho người dùng và chính công ty.

Theo thống kê của Nhadautu.vn trên 25 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, tổng đầu tư cho phần mềm máy tính đã được ghi nhận vào tài sản đạt hơn 26.300 tỷ đồng tính đến cuối 2023, đã khấu hao gần 70%.

Techcombank (mã: TCB) là ngân hàng chi nhiều nhất cho đầu tư công nghệ tính đến nay với 4.548 tỷ đồng. Riêng năm 2023, giá trị tăng thêm gần 1.300 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng mua trong năm. Với lợi thế từ hệ sinh thái Tập đoàn Masan (mã: MSN), nhà băng đề ra chiến lược phát triển dựa trên 3 trụ cột chính gồm nhân tài, số hóa và dữ liệu.

Các năm qua, Techcombank đã tập trung mạnh cho việc số hóa ngân hàng, nhanh chóng triển khai các gói sản phẩm dịch vụ số hóa quy mô lớn, đầu tư nền tảng và hạ tầng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng, cả trực tuyến lẫn tại chi nhánh. Không chỉ cá nhân, ngân hàng còn xây dựng nền tảng số cho khách hàng doanh nghiệp, quy trình hoàn toàn không sử dụng giấy tờ, triển khai nền tảng công nghệ trải nghiệm khách hàng đầu cuối…

MBBank (mã: MBB) đứng thứ 2 với 3.020 tỷ đồng rót vào công nghệ, riêng năm 2023 tăng thêm 585 tỷ đồng. Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, MBBank thúc đẩy mạnh việc tận dụng công nghệ để nâng cao sản phẩm và dịch vụ của mình, mục tiêu là mang đến trải nghiệm ngân hàng đa kênh liền mạch, từ nền tảng di động đến các kênh giao dịch chủ động 24/7 MB Smarbank, tiếp xúc không tiền mặt mọi lúc mọi nơi và mọi đối tượng.

Nhiều nhà băng khác đầu tư cho công nghệ trên 2.000 tỷ đồng như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank.

bang-bank-cong-nghe

Giá trị đầu tư cho phần mềm của các nhà băng tính đến cuối 2023

Số tiền chi cho đầu tư công nghệ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhiều ngân hàng tiết lộ các kế hoạch đầu tư công nghệ với quy mô lớn hơn, chuyên sâu hơn. Như VIB cho biết năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai đầu tư dự án công nghệ lớn là Core Banking của Temenos chạy trên nền tảng đám mây (Cloud) của Amazon Web Services. VIB dự kiến trở thành ngân hàng đầu tiên ứng dụng Core Banking trên Cloud của AWS giúp tăng công suất, tăng tính linh hoạt và mở rộng hệ sinh thái giải pháp số sáng tạo, từ đó nâng cao trải nghiệm người dùng.

Còn ACB tiết lộ giai đoạn 2024 – 2026 sẽ nghiên cứu, xây dựng và triển khai mô hình điểm giao dịch cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tự phục vụ; ứng dụng công nghệ AI, công nghệ số trong cung ứng, sản phẩm và dịch vụ, tự động hóa quy trình; nghiên cứu và triển khai áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý rủi ro.

Hay TPBank thực hiện số hóa chuyên sâu, ứng dụng công nghệ mới hướng tới data driven; ứng dụng GenAI, ML, ChatGPT trong hoạt động ngân hàng; ứng dụng Computer Vision, BioCenter, triển khai căn cước công dân gắn chip, VneID vào hoạt động thực tế giảm rủi ro cho khách hàng, tiết kiệm chi phí…

Xem thêm tại nhadautu.vn