Nhà băng thà ôm tiền hơn “quỳ thu nợ”
Thực trạng hiện nay là ngân hàng thừa vốn, nhưng không dám mạnh tay cho vay vì sợ nợ xấu. Ảnh: Đ.T |
Không tài sản thế chấp, khó mơ vay vốn
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, cũng giống như các doanh nghiệp ngành sợi trên thế giới, doanh nghiệp sợi ở Việt Nam vừa trải qua năm 2023 đầy khó khăn. Từ đầu năm 2024, hầu hết ngân hàng thương mại cắt giảm hạn mức cho vay với doanh nghiệp sợi hoặc yêu cầu phải có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn.
“Năm 2023, doanh nghiệp chỉ cần khoảng 20% tài sản đảm bảo cho khoản vay là được giải ngân, song năm nay, ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo phải có giá trị 100% khoản vay hoặc áp dụng chính sách trả nợ cũ 10 thì sẽ được vay lại ở mức 8-9”, ông Trường cho biết.
Không riêng doanh nghiệp sợi, hầu hết doanh nghiệp phản ánh, ngân hàng dường như thận trọng hơn trong cho vay, yêu cầu khắt khe về tài sản đảm bảo. Nếu như trước đây, ngân hàng chấp nhận một phần tài sản đảm bảo là nhà xưởng, cổ phần…, thì hiện nay, hầu như chỉ còn chấp nhận tài sản đảm bảo là bất động sản. Việc vay vốn tín chấp càng trở nên xa vời.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tính đến cuối tháng 2/2024 giảm 0,72%, trong khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tín dụng giảm chủ yếu do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu, song một phần do một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng vì nợ xấu tăng.
“Quy trình thủ tục cho vay của một số ngân hàng vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng. Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác giữa khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn”, Phó thống đốc nhận định.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu vay vốn vẫn có, song do khả năng trả nợ sút giảm, lòng tin của ngân hàng với doanh nghiệp yếu đi, nên ngân hàng có tiền cũng không dám cho vay. Khi niềm tin bị đứt gãy, ngân hàng buộc phải “ôm” tài sản thế chấp mới dám cho vay. Nhưng sau 2 năm kiệt quệ vì Covid-19, nhiều doanh nghiệp cũng không còn tài sản để thế chấp, đồng nghĩa với việc không thể tiếp cận vốn.
Thừa tiền là phí phạm, song cho vay bằng cách nào?
Vì sao ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp lại kêu thiếu vốn, vì sao tiền gửi ùn ùn chảy vào ngân hàng, mà tín dụng lại giảm? Đâu là nút thắt, tháo gỡ ra sao? Đó là những câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngân hàng và doanh nghiệp cùng ngồi với nhau để tìm giải pháp.
- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Nhìn từ góc độ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận, ngân hàng đang phải đối phó với tình trạng thừa tiền.
“Tiền trong ngân hàng thừa hàng chục ngàn tỷ đồng là phí phạm. Nhưng nói rằng, ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều kiện nào để cho vay mới là vấn đề. VPBank có hơn 40.000 khách hàng doanh nghiệp với hạn mức tín dụng cấp cho họ là 240.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, mới giải ngân được hơn 60.000 tỷ đồng, còn lại không giải ngân được, do doanh nghiệp không có đầu ra, không có phương án kinh doanh”, CEO VPBank cho biết.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại khác cũng thừa nhận, hiện có tình trạng ngân hàng thà “ôm tiền” còn hơn cho vay nếu sức khỏe doanh nghiệp quá bấp bênh, khó đòi nợ. Tình trạng này xuất phát từ việc quyền chủ nợ của ngân hàng chưa được bảo vệ đầy đủ.
“Các ngân hàng thương mại vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm nào từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ mà lại thiếu tài sản bảo đảm hay giải ngân cho doanh nghiệp đang lỗ. Vấn đề này, các ngân hàng thương mại cũng đã trải nghiệm trên thực tế, dẫn tới tâm lý “cho vay có thiếu sót, nhưng thu hồi được nợ còn hơn cho vay đúng mà không thu hồi đủ nợ”, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank lý giải.
Việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực, nhưng lại không được luật hóa đầy đủ vào Luật Các tổ chức tín dụng 2024, khiến “đoạn trường” đòi nợ của doanh nghiệp từ năm 2024 thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Vinh cho hay, nếu như trước đây, cho vay tín chấp mới có nguy cơ mất vốn, thì hiện nay, cho vay có tài sản thế chấp cũng không dễ xử lý nợ.
“Càng ngày, ngân hàng càng khó khăn trong xử lý nợ, khiến không dám cho vay. Hiện nay, tất cả ngân hàng đang lâm vào tình trạng không ai hỗ trợ thu giữ tài sản đảm bảo. Trước đây, chỉ những khoản vay tín chấp mới có nguy cơ mất vốn, hiện nay thì cả có tài sản thế chấp cũng mất ít nhất 2-3 năm mới thu hồi được nợ”, ông Vinh cho biết.
Nhiều ngân hàng thương mại đề nghị, để ngân hàng yên tâm cho vay, giải pháp dài hơi là phải có một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu. Trước mắt, cần sớm sửa Bộ luật Dân sự để đảm bảo công bằng quyền lợi của cả bên vay lẫn bên cho vay.
Xem thêm tại baodautu.vn