Nhà đầu tư có dấu hiệu gia tăng sử dụng đòn bẩy

VN-Index duy trì trạng thái tốt

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật, nhưng mức độ điều chỉnh của VN-Index hiện không sâu, dù nhiều cổ phiếu đã giảm giá 10 - 15% từ đỉnh ngắn hạn gần nhất. Phần lớn cổ phiếu chịu áp lực chốt lời ngắn hạn, nhưng VN-Index vẫn duy trì trạng thái tốt, phần lớn nhờ diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu liên quan đến Vingroup (VIC, VHM, VRE). Với tỷ trọng khoảng 9% trong VN-Index, các mã này cùng với một số cổ phiếu ngân hàng lớn đã giúp chỉ số chung hạn chế đà giảm trong thời gian qua.

Tuần qua, thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng về thông tin, trong khi nhà đầu tư chờ đợi các sự kiện lớn như kết quả kinh doanh quý I/2025, hay chính sách thuế của Mỹ (dự kiến công bố vào ngày 2/4 tới) để ra quyết định tiếp theo. Điều này khiến thanh khoản tạm thời suy giảm. Tuy nhiên, so với các giai đoạn “trống thông tin” trong những quý gần đây của năm 2024, thanh khoản trung bình hiện tại vẫn cao hơn đáng kể, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đối với kênh đầu tư cổ phiếu. Vì vậy, về cơ bản, chúng tôi không thấy dấu hiệu đáng lo ngại về thị trường.

Dòng tiền và tâm lý thị trường vẫn ổn định

Từ đầu năm 2025 đến nay, khối ngoại bán ròng mạnh hơn dự kiến của chúng tôi cũng như thị trường. Dù tháng 3 chưa kết thúc, tổng giá trị bán ròng đã lên tới xấp xỉ 23.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng giá trị bán ròng cả năm 2024 và gần bằng cả năm 2023. Áp lực này chủ yếu xuất phát từ yếu tố tỷ giá tăng và xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm ASEAN.

Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư ngoại đang giảm dần, trong khi dòng tiền nội địa ngày càng quan tâm đến chứng khoán, giúp hạn chế tác động của lực bán ròng lên thị trường. Ngược lại, xét về trung hạn, khi các yếu tố vĩ mô toàn cầu ổn định, sự trở lại của dòng vốn ngoại có thể trở thành chất xúc tác quan trọng cho thị trường Việt Nam, đặc biệt khi nhận được tín hiệu nâng hạng từ FTSE Russell.

Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu liên quan đến Vingroup đang có một đợt tăng giá ấn tượng. Trước đó, nhiều quỹ đầu tư nắm giữ cổ phiếu VIC, VHM và VRE với tỷ trọng rất thấp, trong khi tỷ trọng tại một số cổ phiếu blue-chip khác như FPT lại cao hơn đáng kể. Khi triển vọng kinh doanh của nhóm Vingroup cải thiện, trong khi giá cổ phiếu tăng mạnh vì điều đó và một số lý do khác, các quỹ có thể buộc phải gia tăng tỷ trọng để tránh tình trạng có hiệu suất kém hơn VN-Index, qua đó thúc đẩy dòng tiền ngoại quay trở lại nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới.

Diễn biến này sẽ giúp VN-Index duy trì sự ổn định, nhưng không đồng nghĩa với việc cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ không chịu áp lực giảm giá. Do đó, chúng tôi khuyến nghị, nhà đầu tư cá nhân tập trung theo dõi các cổ phiếu mục tiêu để tích lũy khi có mức giá hấp dẫn, thay vì quá chú trọng đến biến động của VN-Index.

Về dòng vốn nội, nhà đầu tư có dấu hiệu gia tăng sử dụng đòn bẩy. Các công ty chứng khoán lớn ghi nhận nhu cầu vay ký quỹ (margin) cao hơn, trong khi các cơ sở cho vay không chính thức (“kho”) xuất hiện nhiều hơn so với đầu năm nay. Nhà đầu tư nội ngày càng ưa chuộng các sản phẩm vay nợ với tỷ lệ đòn bẩy cao (3-7), cho thấy xu hướng sử dụng đòn bẩy đang mở rộng. Đây là yếu tố cần theo dõi sát để đánh giá xu hướng thị trường trong ngắn hạn.

Hiện tại, dư địa cho vay margin vẫn dồi dào. Room cho vay ký quỹ tại hầu hết công ty chứng khoán lớn chưa chạm ngưỡng, trong khi các “kho” margin vẫn đang cạnh tranh nhau bằng các gói lãi suất hấp dẫn. Điều này cho thấy, áp lực từ dòng tiền vay nợ chưa quá lớn. Đồng thời, dòng tiền mới nạp vào tài khoản chứng khoán của các công ty chứng khoán lớn duy trì ở mức tốt, giúp tỷ lệ vốn tự có dành cho đầu tư cổ phiếu tiếp tục cao. Nhờ đó, chúng tôi nhận thấy, nhịp điều chỉnh kỹ thuật dự kiến sẽ không quá sâu, với một lượng tiền chờ mua sẵn sàng tham gia khi thị trường giảm mạnh hơn.

Một yếu tố định tính đáng chú ý là gói chi tiêu 130.000 tỷ đồng từ Chính phủ dành cho cán bộ nghỉ hưu sớm trong quá trình tinh giản bộ máy nhà nước. Dòng vốn này sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nhóm thu nhập trung bình và khá, đồng thời tạo ra hiệu ứng lan tỏa sang các kênh đầu tư rủi ro hơn, bao gồm chứng khoán, góp phần nâng cao thanh khoản trong năm nay. Ngoài ra, số lượng tài khoản mở mới có dấu hiệu cải thiện và có thể tăng tốc khi quá trình giải ngân gói hỗ trợ này được đẩy mạnh từ nay đến cuối năm.

Nền tảng kinh tế vững chắc sẽ hỗ trợ thị trường

Những bước cải cách bộ máy và thủ tục quyết liệt của Chính phủ đang tạo ra một bức tranh dài hạn tươi sáng hơn bao giờ hết cho Việt Nam. Dù cần thêm thời gian để các cải cách về pháp lý, bộ máy nhà nước và chi tiêu công phát huy tối đa hiệu quả, nhưng chỉ trong 8 tháng qua, đà tăng trưởng đã trở nên rõ ràng. Với nền tảng này, chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó mục tiêu GDP tăng 8% chỉ là khởi đầu. Về dài hạn, tăng trưởng GDP cao sẽ sớm phản ánh vào giá cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường cũng có triển vọng gia tăng đáng kể. Tổng giá trị giao dịch hàng năm thường chiếm khoảng 30 - 40% GDP, trong khi con số này ở một số quốc gia trong khu vực là 50 - 60% và có thể gấp nhiều lần tại các thị trường phát triển (ví dụ Đài Loan - Trung Quốc), tức dư địa còn lớn, nhất là trong bối cảnh GDP có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh, nhưng chưa xuất hiện tín hiệu bán tháo hay chịu áp lực lớn. Vùng 1.300 - 1.315 điểm đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn. Trong kịch bản thận trọng, đây sẽ là mốc then chốt để duy trì đà tăng. Nếu chỉ số xuyên thủng vùng này, nhịp điều chỉnh kỹ thuật có thể sâu hơn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư và nền tảng vĩ mô, chúng tôi cho rằng, những nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.

Chiến lược hợp lý ở giai đoạn này là tận dụng nhịp tăng để cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng margin nếu đang ở mức cao. Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có nền tảng vững chắc và được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Những nhịp điều chỉnh kỹ thuật là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, đặc biệt khi tâm lý thị trường đã ổn định hơn đáng kể. Việc chọn lọc cổ phiếu tốt trong các nhịp điều chỉnh không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro, mà còn tối ưu hóa lợi nhuận khi xu hướng tăng trở lại.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị, giải ngân có chọn lọc tại các vùng giá điều chỉnh hợp lý và tiếp tục gia tăng tỷ trọng khi thị trường tạo thêm cơ hội mua ở mức giá hấp dẫn hơn. Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với các nhóm ngành chứng khoán, đầu tư công, khu công nghiệp, bất động sản dân dụng, bán lẻ và hàng không.

Diễn biến tỷ giá và tác động có thể xảy ra

Như chúng tôi đã đề cập từ những tuần trước, áp lực tỷ giá sẽ là yếu tố khiến thị trường điều chỉnh trong trung hạn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường giữ lãi suất USD cao, làm gia tăng khả năng phục hồi của đồng USD và tạo áp lực tỷ giá.

Trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế năm 2025 tăng trưởng 8%, đòi hỏi môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ kinh tế, khiến khả năng nâng lãi suất VND trong ngắn hạn ở mức thấp, nhưng tạo áp lực lên tỷ giá khi chênh lệch lãi suất USD - VND gia tăng. Do đó, tỷ giá có thể tăng trong phạm vi kiểm soát để cân bằng chính sách tiền tệ nới lỏng và ổn định vĩ mô. Điều này có thể dẫn đến những đợt biến động tỷ giá, tạo áp lực tạm thời lên thị trường tài chính và kéo theo các nhịp điều chỉnh kỹ thuật trên VN-Index.

Lịch sử cho thấy, VN-Index thường điều chỉnh từ 7 - 9% do biến động tỷ giá, trừ khi có sự kiện “thiên nga đen”. Với bối cảnh kinh tế cải thiện, xác suất xảy ra cú sốc lớn là thấp, nên khả năng điều chỉnh mạnh của chỉ số thời gian tới không cao. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào khi VN-Index giảm về vùng này.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn