Nhà đầu tư đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi bắt đáy sau đợt bán tháo mạnh

Thị trường lao dốc

Đợt bán tháo kéo dài hai ngày vào cuối tuần qua đã khiến chỉ số S&P 500 giảm gần 6% so với mức đỉnh vào tháng 7 trong khi chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ đã giảm 10% từ mức cao kỷ lục kể từ đầu năm 2022. Cổ phiếu cũng lao dốc ở châu Âu và châu Á, với chỉ số Nikkei của Nhật Bản mất gần 5% trong tuần qua.

Sự sụt giảm của thị trường đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan khi một tuần giao dịch mới sắp diễn ra. Việc nhảy vào cổ phiếu trong giai đoạn suy yếu đã mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong hai năm qua, vì chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 50% so với mức thấp nhất vào tháng 10/2022.

Nhưng những người mua bắt đáy có nguy cơ bị đè bẹp nếu nỗi lo suy thoái gia tăng sau chuỗi dữ liệu đáng báo động của Mỹ vào tuần trước. Theo Truist Advisory Services, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 29% trong thời kỳ suy thoái kể từ Thế chiến thứ hai.

Mặt khác, báo cáo quý II của Berkshire Hathaway cũng có thể khiến những nhà đầu tư đang cân nhắc bắt đáy phải dừng lại: tập đoàn này đã bán khoảng một nửa cổ phần của mình tại Apple và nâng lượng tiền mặt tăng vọt lên 277 tỷ USD trong quý II. Berkshire thường tích trữ tiền mặt khi không thể tìm thấy doanh nghiệp hoặc cổ phiếu riêng lẻ nào để mua với giá hợp lý.

Mark Travis, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Intrepid Capital cho biết: "Mọi người đang bắt đầu đánh giá lại rủi ro là gì và liệu họ có định vị đúng hay không". Ông cũng lưu ý rằng định giá cao đang khiến các nhà đầu tư phải dừng lại.

Cổ phiếu đã tăng vọt trong năm nay trong một đợt tăng giá được thúc đẩy bởi sự phấn khích về công nghệ trí tuệ nhân tạo và cái gọi là nền kinh tế Goldilocks, với tăng trưởng vẫn kiên cường trong khi lạm phát hạ nhiệt.

Nhu cầu rủi ro của thị trường đã bị ảnh hưởng trong tuần qua. Mối lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế bằng cách chờ quá lâu để cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo mọi thứ, từ các nhà sản xuất chip có giá trị cao đến cổ phiếu của các công ty công nghiệp và hướng đến các bến đỗ an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, các đợt bán tháo sau báo cáo lợi nhuận quý II thất vọng từ các công ty tập trung vào công nghệ như Amazon, Alphabet và Intel đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại rằng cổ phiếu có thể đã trở nên được định giá quá cao.

Điểm sáng

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng sự sụt giảm gần đây chỉ là sự tạm dừng trong một năm mạnh mẽ của thị trường và đang tìm kiếm cơ hội để mua vào.

“Chúng tôi đã tìm cách có khả năng tham gia vào một số tên tuổi đắt giá đó và thất vọng vì không có cơ hội, và giờ chúng tôi đã có cơ hội", Lamar Villere, Giám đốc danh mục đầu tư tại Villere & Co. cho biết.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều tăng khoảng 12% từ đầu năm tới nay ngay cả với đợt bán tháo gần đây. Nvidia - cổ phiếu có bước tăng trưởng mạnh mẽ trở thành biểu tượng của cơn sốt AI - đang có mức tăng trưởng tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 117%, mặc dù đã giảm hơn 20% so với mức cao nhất.

Các nhà kinh tế đã chỉ ra những điểm sáng trong báo cáo việc làm tuần qua. Một số người cũng cho rằng cơn bão Beryl, cơn bão đã tấn công Bờ biển Vịnh vào tháng trước, có thể đã làm sai lệch số liệu thống kê.

Và trong khi kỳ vọng về kết quả của các công ty công nghệ có thể cao, một số công ty lớn đã mang lại lợi nhuận mạnh mẽ bao gồm Apple và Meta Platforms.

“Các cổ phiếu công nghệ lớn tiếp tục có những doanh nghiệp tuyệt vời, có lợi thế cạnh tranh lớn. Dòng tiền của họ vẫn mạnh…Các nhà đầu tư thường phản ứng thái quá trong ngắn hạn", Michael Arone, chiến lược gia tại State Street Global Advisors cho biết.

Nỗi sợ hãi

Tuy nhiên, một số người lưu ý rằng mặc dù định giá cổ phiếu giảm nhẹ trong đợt bán tháo gần đây, nhưng chúng vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn lịch sử.

Theo LSEG Datastream, chỉ số S&P 500 đã giao dịch tuần trước với P/E ở mức 20,8 lần ước tính thu nhập 12 tháng tới, giảm so với mức 21,7 đạt được vào giữa tháng 7. Mức trung bình dài hạn của P/E là 15,7 lần. Điều đó có thể khiến cổ phiếu chuẩn bị bán tháo thêm nếu có thêm tin xấu.

"Đây không phải là cơn bão cấp 3, nhưng chúng ta đang thấy thị trường phản ứng như thế nào với các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bình thường hóa sau khi tăng nóng trong nửa đầu năm nay… Thị trường có thể phản ứng thái quá và các nhà đầu tư lấy bất cứ thứ gì làm cái cớ để bán ra", Art Hogan, chiến lược gia thị trường chính tại B. Riley Wealth cho biết.

"Việc thiếu các bản công bố dữ liệu kinh tế quan trọng cho đến khi báo cáo giá tiêu dùng được công bố vào ngày 14/8 có thể khiến thị trường luôn trong tình trạng căng thẳng. Thật vậy, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế đã khiến các nhà giao dịch hoảng sợ hơn so với những tháng trước”, ông cho biết thêm.

Chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall - đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2023 vào ngày 2/8 khi nhu cầu về quyền chọn bảo vệ trước đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán tăng vọt.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm gần 40 điểm cơ bản trong tuần qua, là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3/2020 khi các nhà đầu tư định giá theo kỳ vọng cắt giảm lãi suất và tìm nơi trú ẩn trước sự biến động trong tương lai.

“Đó là một động thái lớn chắn có vẻ như có một giao dịch sợ hãi đã xuất hiện”, Michael Farr, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Farr, Miller & Washington cho biết.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn