Nhà đầu tư giao thông lo ngại thông tin chưa đúng về tình hình tài chính

Hầm đường bộ Hải Vân do HHV đang vận hành, khai thác.
Hầm đường bộ Hải Vân do HHV đang vận hành, khai thác.

Theo thống kê của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cần khoảng 1.010.000  tỷ đồng, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 28%.

Trong bối cảnh đó, nguồn lực từ khu vực tư nhân đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước, góp phần hình thành những công trình hạ tầng giao thông lớn, hiện đại.

Cụ thể, các dự án hạ tầng giao thông thực hiện theo phương thức PPP được thực hiện thành công như: cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (8.475 tỷ đồng); cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (9.100 tỷ đồng); cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (12.188 tỷ đồng); cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (13.000 tỷ đồng); chuỗi hầm đường bộ Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân 2 (21.612 tỷ đồng)… đã góp phần thay đổi diện mạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, phần lớn các dự án BOT nói trên được thực hiện trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021), đều không có sự tham gia của vốn nhà nước, vì vậy, ngoài vốn chủ sở hữu nhà đầu tư theo quy định thường chiếm từ 10 - 15% tổng mức đầu tư, còn lại phải huy động từ vốn vay tín dụng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cho biết, các dự án BOT giao thông do đơn vị này làm chủ đầu tư, trước khi được ngân hàng rót vốn huy động đều phải qua quá trình thẩm định về pháp lý, năng lực nhà đầu tư, tính khả thi và hiệu quả dự án. Trong khi vốn chủ sở hữu tham gia các dự án chỉ chiếm 10 - 15% tổng mức đầu tư, thì thực tế vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của HHV lên tới 24%.

Trong thời gian vừa qua, các dự án do HHV đầu tư đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hàng năm; nguồn tiền, dòng tiền ổn định, lịch trả nợ cũng đã được sắp xếp phù hợp với vòng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.

Do đó, các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông. Các thông tin này đều được nêu rõ trong phương án tài chính các dự án, hợp đồng tín dụng và các bản cáo bạch công bố công khai đến các cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng.

“Các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường ở các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông. Các khoản vay có thể kéo dài từ 10 - 25 năm, hoặc lâu hơn tuỳ theo thời gian hoàn vốn của Dự án”, đại diện HHV cho biết.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, không chỉ HHV, mà nhiều nhà đầu tư giao thông cũng phải đối mặt với những thông tin không chính xác về bản chất các khoản vay đến từ việc huy động vốn cho các dự án PPP, đã gây tổn hại đến hình ảnh, uy tín và hoạt động của doanh nghiệp.

HHV hiện là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông với quy mô và tổng mức đầu tư lớn ở Việt Nam, đồng thời, là công ty đại chúng được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán HHV. Tại thời điểm 30/9/2024, HHV ghi nhận khoản dư nợ vay dài hạn khoảng 18.900 tỷ đồng.

Đây là khoản vay để đầu tư các dự án như chuỗi hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2, Bắc Giang - Lạng Sơn… Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí tại các dự án và hiện các dự án này đều đang khai thác, thu phí với dòng tiền ổn định, tăng trưởng đều hàng năm 10-15% mỗi năm.

Đại diện HHV cho biết, kết quả sản xuất, kinh doanh của HHV giai đoạn 2019 - 2023 là rất tích cực với doanh thu tăng gấp 4 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 10 lần so với thời điểm 2019.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, HHV ghi nhận doanh thu hợp nhất là 2.298 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 367 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 25,9% và 18,8%.

Xem thêm tại baodautu.vn