Thị trường giảm thêm đôi chút về gần 1.240 điểm ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều. Tại ngưỡng điểm này, lực mua khá mạnh dạn xuất hiện, kéo một số bluechip thu hẹp đà giảm, thậm chí một số đã quay đầu tăng điểm, giúp VN-Index bật lên trên tham chiếu.
Tuy vậy, lực bán tiềm ẩn không cho thị trường đi xa hơn khi đã tung vào và khá dứt khoát, khiến VN-Index lùi bước và thủng 1.240 điểm với hơn 300 mã giảm trên bảng điện tử và tiếp tục nới rộng đà giảm trong phiên ATC khi sức ép gia tăng từ nhóm VinGroup, vốn là điểm sáng nâng đỡ thị trường trong vài phiên vừa qua. Đóng cửa phiên hôm nay, VN-Index mất gần 10 điểm, trả lại hết điểm số đạt được trong phiên hôm qua.
Chốt phiên, sàn HOSE có 150 mã tăng và 320 mã giảm, VN-Index giảm 9,78 điểm (-0,79%), xuống 1.233,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.111 triệu đơn vị, giá trị 25.525,9 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,5 triệu đơn vị, giá trị 1.803 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu VinGroup bị chốt lời và dẫn đầu đà giảm trong nhóm VN30, với VIC -4,9% xuống 71.900 đồng, khớp hơn 22,2 triệu đơn vị, VHM -3% xuống 61.000 đồng, khớp 5,43 triệu đơn vị, VRE -2,9% xuống 30.600 đồng, khớp 9,88 triệu đơn vị.
Các bluechip khác chỉ giảm nhẹ, với SAB, VPB, PLX, BCM, TPB, TCB, STB mất từ 1% đến 1,7%, còn VJC, MBB, BID, GAS, SHB…chỉ giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại, SSI vẫn là cổ phiếu tăng tốt nhất, nhưng cũng chịu sức ép nhất định và không giữ được mức cao cuối phiên sáng, đóng cửa SSI +3,8% lên 29.950 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 59,1 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2014 và là phiên có khối lượng cao thứ ba trong lịch sử niêm yết.
Các mã xanh khác chỉ nhích nhẹ với FPT tăng 1,1%, cổ phiếu MSN, VCB, HPG, VNM, CTG chỉ tăng nhẹ, trong đó, HPG khớp lệnh cũng rất cao, chỉ đứng sau SSI trên sàn với hơn 46,6 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lác đác vài mã tăng tốt như TNT, PIT và MHC, khi đều tăng trần, trong đó, MHC khớp 2,96 triệu đơn vị, TNT khớp 0,8 triệu đơn vị, PIT chỉ có 32.000 đơn vị.
Một vài cái tên khác như HSL +6,4% lên 10.250 đồng, TEG +3,4% lên 10.550 đồng, GEX +3,3% lên 23.650 đồng, EVF +3% lên 12.200 đồng, nhưng nhìn chung cũng đã thu hẹp mức tăng so với cuối phiên sáng.
Tương tự, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán theo chân SSI hạ nhiệt, với TVB +3,3% lên 6.670 đồng, VDS từ giá trần về còn +2,9% lên 16.200 đồng, FTS chỉ còn nhích 1,9%, AGR tăng 1,2%, VND, HCM CTS, VCI cũng chỉ còn nhích nhẹ, cách rất xa mức điểm cuối phiên sáng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu LDG vẫn nằm sàn -6,9% xuống 5.980 đồng, khớp 6,47 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 25,5 triệu đơn vị.
Cổ phiếu AGM cũng đã bị bán mạnh và giảm sàn -6,9% xuống 10.150 đồng, khớp hơn 1,13 triệu đơn vị.
Khá nhiều cổ phiếu bị chốt lời và nới đà giảm, với đa số là các mã bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ như QCG -5,4% xuống 11.350 đồng, DLG -5,3% xuống 3.200 đồng, HHS -5,2% xuống 7.400 đồng, EVG -5% xuống 7.010 đồng. Các mã FCM, OGC, ITA, HQC, DXS, FIT, ITC, HAR, NVT, DRH, TGG giảm từ 3% đến gần 5%...
Trên sàn HNX, sắc đỏ hiện diện nhiều hơn khiến HNX-Index nới rộng đà đi xuống trong những phút cuối, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HNX có 62 mã tăng và 130 mã giảm, HNX-Index giảm 2,59 điểm (-1,02%), xuống 249,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 137,3 triệu đơn vị, giá trị 2.441 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,33 triệu đơn vị, giá trị 51,2 tỷ đồng.
Một vài mã còn tăng đáng kể như APS +5,9% lên 9.000 đồng, API +3,9% lên 7.900 đồng, các cổ phiếu IPA, CVN và BVS nhích trên dưới 2,5% và duy còn CMS là đáng kể khi giữ được giá trần +9,8% lên 11.200 đồng, khớp 0,53 triệu đơn vị.
Phần còn lại, nhóm cổ phiếu lớn hoặc thanh khoản cao đều chìm trong sắc đỏ, với S99 giảm sàn -9,5% xuống 10.500 đồng, TAR -6,6% xuống 19.800 đồng, DDG -5,3% xuống 9.000 đồng, L14 -4% xuống 59.500 đồng.
Nhóm TNG, TIG, MST, MBG, NRC, AAV, NVB, SRA giảm từ 2% đến hơn 3%...trong khi đó, SHS đảo chiều từ mức tăng 3% đã về tham chiếu tại 16.700 đồng, khớp hơn 25,8 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX.
Trên UpCoM, áp lực bán cũng đã gia tăng và khiến UpCoM-Index lùi về các mức thấp hơn trong phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,93 điểm (-0,99%), xuống 92,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,1 triệu đơn vị, giá trị 951,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,81 triệu đơn vị, giá trị 89,4 tỷ đồng.
Bảng điện tử với những mã thanh khoản tốt chỉ còn DGT nhích 4%, AAS tăng 2,7%, SSB, C4G, TCI nhích nhẹ, còn lại đa số giảm, với BSR -0,5% xuống 20.200 đồng, khớp lệnh dẫn đầu UpCoM với 8,27 triệu đơn vị. Các mã OIL, QNS, PAS, HHG, VEA, LMH mất 2-4%.
Trên thị trường phái sinh, phiên đáo hạn của VN30F2308 kết thúc với việc giảm 1,8 điểm, tương đương -0,14% xuống 1.253,5 điểm, khớp lệnh hơn 152.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 29.700 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, với CSTB2304 khớp lệnh vượt trội khi có 3,3 triệu đơn vị, giảm 4,3% xuống 1.110 đồng/cq.