Nhà đầu tư ngoại quan tâm ngành thực phẩm chế biến

Nhiều thương vụ hấp dẫn

Mới đây, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) thông báo hoàn tất các thủ tục đầu tư để nắm giữ 51% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods, mã chứng khoán KDF). Với tỷ lệ sở hữu này, Nutifood sẽ trở thành công ty mẹ, nắm quyền kiểm soát Kido Foods - đơn vị sở hữu 2 thương hiệu kem quen thuộc là Celano và Merino.

Việc đầu tư vào Kido Foods cho phép Nutifood mở rộng lĩnh vực dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Đồng thời, thương vụ này cũng cho phép Nutifood làm chủ một hệ thống phân phối ngành hàng đông lạnh với hàng trăm ngàn tủ kem, bao phủ rộng khắp từ điểm bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại, cho đến nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí trên cả nước.

Trong khi đó, KIDO Group vốn nổi tiếng trên thương trường với các thương vụ M&A. Trước đó, tập đoàn này đạt được thỏa thuận thâu tóm chi phối thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Đến hết quý III/2023, Thọ Phát được ghi nhận là công ty con của KIDO, với tỷ lệ sở hữu 51%, tương đương giá trị đầu tư 810 tỷ đồng.

Đầu tháng 10/2023, KIDO tiếp tục rót thêm 269 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu tại Thọ Phát lên 68% cổ phần, tức đơn vị này đã chi ra 1.079 tỷ đồng để thâu tóm bánh bao Thọ Phát.

Cuối năm 2023, đã có vài thương vụ mua lại hoặc mua đứt 100% các công ty phân phối thực phẩm Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự gia nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường phân phối thực phẩm Việt Nam.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy) - nhà bán buôn thực phẩm thương mại lớn nhất Việt Nam với 40% thị phần, đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Tập đoàn Sojitz và đơn vị thành viên trực thuộc. Thông tin về giá bán không được tiết lộ.

Sojitz cũng đang hợp tác với Vinamilk và Vilico đầu tư cơ sở chăn nuôi, chế biến, phân phối sản phẩm thịt bò tại Việt Nam, cung cấp cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu. Quy mô hợp tác các giai đoạn dự kiến lên đến 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty thương mại Marubeni của Nhật Bản mua lại cổ phần thiểu số có tỷ lệ quan trọng của AIG Asia Components, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt lọt tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại

Năm 2024, ngành nông, lâm, thủy sản gặt hái được nhiều thành công trên thị trường quốc tế và được dự đoán sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2025. Do đó, nhiều ông lớn và các quỹ đầu tư tư nhân ngoại gia tăng tiếp xúc thông qua hoạt động M&A, tung một lượng vốn lớn đầu tư vào doanh nghiệp Việt.

Mới đây, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C Food (mã chứng khoán GCF) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, với doanh thu gần 172 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 23 tỷ đồng, tăng đột biến 84%.

Lũy kế 3 quý đầu năm, GCF có doanh thu gần 440 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 376 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 55 tỷ đồng, vượt xa mức 23 tỷ đồng ở cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT G.C Food thông tin, ngành rau quả chế biến xuất khẩu đang bùng nổ nên doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi. Từ năm 2023 đến nay, doanh nghiệp liên tục nhận được nhiều lời đề nghị gặp mặt, trao đổi từ các quỹ đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài. Trong đó, phần lớn lời đề nghị đến từ Singapore với mục tiêu cùng quản trị doanh nghiệp, tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường…

“Dự kiến, sang năm 2025, nếu doanh nghiệp chuyển niêm yết từ sàn giao dịch chứng khoán UpCom sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thì có khả năng chúng tôi sẽ tăng vốn và mời gọi các nhà đầu tư mới để tăng lượng tiền mặt, giúp hoạt động của doanh nghiệp phát triển tốt hơn và đầu tư thêm nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn giữ được sự chủ động trong quản lý, điều hành chung, hai bên cần tôn trọng chiến lược dài hạn đã đặt ra trong 5-10 năm”, ông Thứ nói. 

Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn, đặc biệt với ngành nông nghiệp chế biến. Trong khi đó, hoạt động chế biến nông nghiệp và thực phẩm đạt tiêu chuẩn còn chiếm tỷ trọng khá thấp trong cơ cấu tiêu dùng của thị trường. Bà Nguyễn Kim Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sa Kỳ cho biết, hiện các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến ngành chế biến thực phẩm và thị trường tiêu thụ của Việt Nam, bởi tỷ lệ dân số trẻ cao, nhu cầu tiêu dùng lớn.

“Có một số nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ tìm hiểu về Công ty Sa Kỳ và ngỏ lời đầu tư với mong muốn nhận trên 51% cổ phần. Tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên những lời mời hợp tác và xem xét mức độ phù hợp với các nhà đầu tư để tiến đến đàm phán cụ thể”, bà Thanh chia sẻ.

Có thể thấy, việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn M&A mở ra những cơ hội hợp tác tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích. Song, sự thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và thương hiệu Việt. Doanh nghiệp trong nước cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng chất lượng để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Xem thêm tại baodautu.vn