Nhà đầu tư 'tranh nhau' mua cổ phiếu Xếp dỡ Hải An (HAH), thanh khoản đạt kỷ lục
Trong phiên 6/7, nhóm cổ phiếu vận tải - cảng biển đồng loạt tăng mạnh trong đó HAH tăng 3,75%, DXP (+4,5%), VSC (+2,3%), VOS (+2%), PVP (+2,3%).
Đáng chú ý, cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận mức thanh khoản đạt kỷ lục với 12,6 triệu đơn vị - tăng gấp 3 lần so với khối lượng giao dịch trung bình 10 ngày.
Thanh khoản của Xếp dỡ Hải An đạt kỷ lục trong phiên hôm nay |
Đồng thuận với diễn biến trên, xét theo giá trị, khối ngoại mua ròng HAH mạnh nhất với gần 64,3 tỷ đồng. Đây cũng là phiên khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã này trong 2 tháng trở lại đây.
Cổ phiếu HAH có phiên thanh khoản đạt kỷ lục một phần nhờ ảnh hưởng từ câu chuyện Cảng Singapore - cảng container lớn thứ hai thế giới đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn đột biến. Mức độ tắc nghẽn lần này thậm chí nghiêm trọng hơn cả thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát khi có tới 450.000 TEU đang chờ để vào hoặc ra khỏi cảng này.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân được cho là do tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng hàng hải ở khu vực Biển Đỏ thời gian qua, buộc các hãng tàu container phải thay đổi lịch trình. Ngoài ra, nhiều chủ hàng cũng đang gấp rút vận chuyển hàng hoá đến Mỹ do lo ngại rủi ro đình công vào tháng 9/2024 khi các cuộc đàm phán tiền lương của công nhân ngành cảng biển ở khu vực Bờ Đông của nước Mỹ diễn ra không suôn sẻ. Những yếu tố này đã tạo ra hiện tượng “dồn tàu” với quá nhiều tàu đến cảng cùng một lúc ngoài dự kiến.
Các cảng lớn tại khu vực châu Á, châu Âu rơi vào tình trạng tắc nghẽn tính đến ngày 2/6 (Nguồn: Linerlytica) |
Hiện chỉ số tắc nghẽn cảng toàn cầu đã chạm mốc 2 triệu TEU, tương đương 6,8% tổng sức chở toàn cầu, so với mức thông thường chỉ khoảng 2 - 4%. Tình trạng này đang làm trầm trọng thêm việc thiếu hụt container rỗng và đẩy giá cước vận tải container tăng vọt trở lại trong những tuần gần đây.
Hiện một số tổ chức dự báo các hãng tàu sẽ gia tăng giá cước vận tải và thêm các khoản phụ phí mới nhằm bù đắp các thiệt hại do tình trạng tắc nghẽn cảng gây ra. Điều này đã được các hãng tàu áp dụng xuyên suốt trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn