Nhà máy điện mặt trời Cư Jút nhiều sai phạm, Thuỷ điện miền Trung làm ăn ra sao?
Dự án có nhiều sai phạm
Nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) Cư Jút do CTCP Thuỷ điện Miền Trung (EVNCHP) làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 6/2017, chính thức vận hành thương mại vào tháng 4/2019.
Dự án được triển khai trên diện tích trên 62ha, lắp đặt 187.890 tấm pin, điện lượng bình quân năm 94,71 triệu kWh; tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên được triển khai tại Đắk Nông.
Theo EVNCHP, NMĐMT Cư Jút đi vào vận hành phát điện, với sản lượng hơn 90 triệu kWh/năm, doanh thu hàng năm gần 200 tỷ đồng, dự kiến trong 9 năm sẽ thu hồi 100% vốn đầu tư.
Tuy nhiên, mới đây tại thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm tại Đắk Nông, trong đó có dự án NMĐMT Cư Jút.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư dự án NMĐMT Cư Jút khi vị trí khu đất thực hiện dự án chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Cư Jút và quy hoạch xây dựng nông thôn mới thị trấn Ea Ting, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút là vi phạm điểm c khoản 6 Điều 33 Luật Đầu tư 2014.
Tổ giúp việc không lấy ý kiến tham gia của các sở/ngành có liên quan trong việc thẩm định dự án là vi phạm điểm a, điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.
Đáng chú ý, năng lực tài chính của nhà đầu tư dự án NMĐMT Cư Jút không được thẩm định, đánh giá theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; chủ đầu tư chưa thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục đường dây 110kV là vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Đắk Nông, các sở/ngành có liên quan và chủ đầu tư dự án.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ đầu tư thuê đất để đầu tư dự án NMĐMT Cư Jút diện tích 59,96ha nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng công trình năng lượng.
Đồng thời, chủ đầu tư dự án NMĐMT Cư Jút đã khởi công xây dựng các dự án trong khi đất xây dựng dự án chưa được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê là vị phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng 2014, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, dự án NMĐMT Cư Jút vận hành thương mại trước khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu công trình hoàn thành là vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và điểm c khoản 5 Điều 17 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong nghiệm thu, vận hành thương mại, trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, công ty Mua bán điện, EVN.
CTCP Thủy điện miền Trung làm ăn ra sao?
CTCP Thủy điện miền Trung có địa chỉ tại KCN Đà Nẵng, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Năm 2004, công được thành lập trên cơ sở Hợp đồng liên danh giữa 4 đơn vị: Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện Lực Hà Nội (EVNHaNoi) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nay chuyển giao cho Tổng Công ty phát điện 1 (EVNGENCO1), với tổng vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng.
Đến năm 2018, công ty này còn ba cổ đông lớn đang nắm giữ trên 66% vốn của công ty là: Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh, tổng vốn điều lệ thời điểm này hơn 1.385 tỷ đồng. Đến năm 2023, vốn điều lệ công ty lên hơn 1.469 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính từ CTCP Thủy điện miền Trung, trong quý III/2023, tổng doanh thu ghi nhận hơn 135 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 17,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 42% và 81% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo nhận định từ Thủy điện Miền Trung, kết quả kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã làm cho tình hình thủy văn vào các hồ thủy điện A Lưới thấp, sản lượng điện sản xuất của Nhà máy thủy điện A Lưới giảm hơn 51% so với cùng kỳ. Dẫn đến tổng doanh thu trong quý III sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, công ty này có doanh thu gần 521 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 154,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 28% và 51% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của EVNCHP đạt hơn 2.937 tỷ đồng, giảm 322 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Trong đó, chủ yếu là tài sản dài hạn, ghi nhận hơn 2.402 tỷ đồn. Nợ phải trả của EVNCHP đến cuối kỳ báo cáo ở mức hơn 1.064 tỷ đồng, giảm 198 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Mở rộng trong giai đoạn 3 năm gần nhất (2020-2022), EVNCHP ghi nhận tốc độ tăng trưởng "bất thường" cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong đó, năm 2020, EVNCHP ghi nhận doanh thu 830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 278 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang năm 2021, công ty ghi nhận giảm cả doanh thu và lợi nhuận so với năm 2020, cụ thể doanh thu ghi nhận 787 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 242 tỷ đồng.
Sang năm 2022, có thể nói là năm "thắng lớn" của EVNCHP, khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng chóng mặt. Theo đó, trong năm này, công ty ghi nhận doanh thu 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng.
Ngoài NMĐMT Cư Jút, CTCP Thủy điện Miền Trung còn là chủ đầu tư của Nhà máy thủy điện A Lưới. Dự án này được khởi công xây dựng vào ngày 30/6/2007 và vận hành phát điện vào ngày 21/5/2012. Công trình này có công suất 170MW, tại Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, với sản lượng điện lượng bình quân 649 triệu kWh/ năm.
Xem thêm tại nhadautu.vn