Nhà thầu 'ruột' của ACV có thể ẵm gần 55.000 tỷ đồng giá trị trúng thầu dự án sân bay Long Thành
Liên quan đến gói thầu 4.7 trị giá hơn 6.300 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã loại liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
ACC - một trong những đơn vị thực hiện gói thầu hơn 8.100 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành |
Gói thầu này có hai liên danh tham gia: Liên danh 1 do CTCP Tập đoàn Đèo Cả dẫn đầu (bao gồm Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, Lizen, Sơn Hải...) và Liên danh 2 do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC đứng đầu (với các thành viên như Vinaconex, Cienco4, v.v.).
Liên danh Đèo Cả bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ; cụ thể, thành viên Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Long đã bị tạm ngưng trên hệ thống đấu thầu từ ngày 30/6/2024. ACV khẳng định quyết định giữ nguyên và đánh giá hồ sơ dự thầu đã được thực hiện đúng quy định.
Xây dựng Hoàng Long từng gặp vấn đề trong các gói thầu trước đây, như bị Bộ Xây dựng yêu cầu rút khỏi liên danh thực hiện gói thầu XL12 Mai Sơn - Quốc lộ 45 và bị phạt gần 200 triệu đồng do không ký quỹ phục hồi môi trường.
Hoàng Long là nhà thầu hoạt động đa lĩnh vực trong đó có lĩnh vực xây lắp với kinh nghiệm gần 30 năm. Địa chỉ tại số 7 Cao Sơn, Phường An Hưng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tính từ năm 2017 đến thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã tham gia 4 gói thầu (tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng) với tư cách liên danh trong lĩnh vực đầu tư công và chưa trượt gói nào.
Năng lực của các liên danh ra sao?
Xét về năng lực, liên danh 2 (bao gồm Tổng CTCP Xây dựng Công trình Hàng không ACC, Tổng CTCP Xây dựng Trường Sơn, Vinaconex, CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam, CTCP Tập đoàn Cienco4 và CTCP Xây dựng Công trình hàng không Sáu Bốn Bảy) có nhiều kinh nghiệm thi công các sân bay lớn và đã tham gia thi công hầu hết các sân bay lớn trên cả nước.
Bản thân Vinaconex cũng là thành viên quen mặt trong liên danh Vietur trúng gói thầu 5.10, có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành hồi cách đây một năm. Liên danh này có nhiều gương mặt trên sàn chứng khoán bao gồm HAN Corp (HAN), Phục Hưng Holdings (PHC), Xây dựng số 1 (CC1)...
Cùng thời điểm, công ty cũng góp mặt trong liên danh duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 4.6 (thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác), có giá trị hơn 8.100 tỷ đồng. Đáng nói, các thành viên trong liên danh cũng chính là nhóm nhà thầu vừa vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu 4.7 vừa công bố.
Ngoài ra, Vinaconex cũng góp mặt ở một gói thầu thuộc dự án thành phần 3, sân bay Long Thành là gói 3.4 (thi công san nền và thoát nước), tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng cùng các nhà thầu khác là Trường Sơn, Cienco8 và Phúc Lộc.
Trong một báo cáo phân tích trong năm 2023, Chứng khoán VNDirect từng đánh giá, Vinaconex có khả năng trúng thêm gói thầu 4.8 (đường nội khu) có giá trị hơn 7.800 tỷ đồng với tư cách thành viên liên danh.
Tạm tính, Vinaconex có thể đạt giá trị trúng thầu lũy kế khoảng gần 55.000 tỷ đồng với tư cách thành viên trong các liên danh tham dự.
Trở lại với gói thầu 4.7, khác với liên danh ACC, liên danh Đèo Cả dù là các tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông song chưa có nhiều kinh nghiệm trong thi công đường lăn và sân đỗ máy bay.
Trong khi đó, hạng mục đường lăn sân đỗ được coi là cực kỳ quan trọng đối với an toàn hàng không, đóng vai trò then chốt ở bất kỳ sân bay nào.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn