Nhận diện cơ hội phục hồi và khai thác sức mạnh từ fintech
Nguồn: Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” Đồ họa: Phương Anh

Cơ hội phục hồi đang mở ra

Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” được xây dựng bởi 3 cơ quan gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC).

Về bức tranh năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới tăng chậm lại (ước đạt 2,6% từ mức 3% năm 2022), lạm phát giảm nhưng còn cao, sức cầu giảm sút, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất điều hành giảm 3 lần (tổng cộng 1,5%) và lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 2 - 3% so với cuối năm 2022.

Dự báo của nhóm nghiên cứu về tăng trưởng năm 2024

Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại (2,4% so với mức tăng 2,6% năm 2023) dù thương mại và đầu tư dần phục hồi, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (3,5 - 4% từ mức 5,7% năm 2023). Đối với Việt Nam, nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6 - 6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4 - 3,8%, trong mục tiêu là 4 - 4,5%.

Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 phục hồi với các điểm sáng - tối đan xen, nhưng điểm sáng chi phối. Một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận là: Tín dụng tăng chậm trong 3 quý đầu năm, nhưng phục hồi mạnh trong quý IV/2023. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào.

Kết quả hoạt động của các định chế tài chính phân hóa với lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng tăng 7,3%, của các công ty chứng khoán tăng trên 45%, trong khi doanh thu phí bảo hiểm giảm gần 9% nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng mạnh 30 - 60%...

Năm 2024, khu vực tài chính của Việt Nam được dự báo sẽ tích cực hơn. Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2024.

Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực.

Đánh giá tổng quát về các nội dung báo cáo, theo GS.TS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các nội dung nêu trong báo cáo cho thấy nhóm tác giả đã sử dụng các mô hình phân tích lập luận dựa trên các mối quan hệ kinh tế cơ bản. Dữ liệu được tổng hợp từ rất nhiều nguồn khác nhau và có tính hệ thống.

Động lực từ fintech

Một trong những điểm đáng chú ý được các chuyên gia đề cập là động lực của thị trường tài chính năm 2024 và tương lai nhiều năm tiếp theo sẽ là sự phát triển mạnh mẽ của fintech.

Fintech trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh mẽ nhưng không đồng đều và có cách hiểu, cách tiếp cận, quản lý rất khác nhau. Đa số cách hiểu hiện nay về fintech là theo nghĩa hẹp (các công ty fintech), thay vì hiểu theo nghĩa rộng (fintech là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính).

Tại Việt Nam, fintech vẫn chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp và với cách tiếp cận quản lý là “chờ đợi và quan sát”. Thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã dần chuyển sang cách tiếp cận chủ động hơn để hỗ trợ hoạt động fintech và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính.

Trong thời gian tới, theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam nên áp dụng dụng cách tiếp cận “thử nghiệm và học hỏi” một cách rộng rãi hơn, tổng thể hơn với fintech trên toàn thị trường tài chính, chứ không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng.

Nhận diện cơ hội phục hồi và khai thác sức mạnh từ fintech

Bên cạnh đó, việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý (như một ủy ban quản lý - giám sát liên ngành) cũng nên được xem xét để có mô hình quản lý fintech phù hợp hơn cùng với việc đẩy mạnh giáo dục tài chính và tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin và an ninh mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực mà fintech có thể mạnh lại thì các rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng…; cũng đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường. Để quản lý fintech, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 cách tiếp cận chính.

Đó là: chờ đợi và quan sát; thử nghiệm và học hỏi; cơ chế thúc đẩy sáng tạo; và cải cách luật pháp. Các cách tiếp cận này đều có ưu và nhược điểm riêng và cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có thể vận dùng phù hợp với mỗi quốc gia.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng, một số giải pháp nữa có thể cần quan tâm là tập trung thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo; cân nhắc thành lập Hiệp hội Fintech tại Việt Nam; tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cùng với năng lực quản lý rủi ro công nghệ, an toàn thông tin, dữ liệu…

TS. VŨ NHỮ THĂNG - PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA:

Nhiều văn bản pháp lý quan trọng đã được ban hành

Nhận diện cơ hội phục hồi và khai thác sức mạnh từ fintech

Một trong những điểm đáng chú ý trong năm 2023 và đầu năm 2024 là rất nhiều văn bản pháp lý quan trọng đã được ban hành.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua các đạo luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi…) cùng với việc Quốc hội và Chính phủ ban hành hàng loạt quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, thị trường tín dụng và chứng khoán, du lịch, thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI…

Các quy định hỗ trợ nền kinh tế đi vào nền nếp, nhờ đó tăng trưởng kinh tế đã có nhiều khả quan trong bối cảnh sức phục hồi các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa đồng đều. Hiện nay, phản ứng chính sách còn có độ trễ, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều triển vọng hơn nhờ chính sách tài khóa theo hướng mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm.

Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát, tỷ giá tuy có biến động nhưng chủ yếu mang yếu tố tâm lý nên nhìn chung cung cầu ngoại tệ vẫn được đảm bảo và đó là yếu tố hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô.

ÔNG PHẠM ANH TUẤN - VỤ TRƯỞNG VỤ THANH TOÁN NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC:

Cần có khung pháp lý rõ ràng

Nhận diện cơ hội phục hồi và khai thác sức mạnh từ fintech

Nội dung báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” rất đầy đủ tóm lược toàn bộ thị trường tài chính Việt Nam. Đặc biệt tôi rất quan tâm về định hướng quản lý công nghệ tài chính hiện nay và thời gian sắp tới.

Thực tế các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số cho thấy, hệ thống thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam, Thái Lan, Campuchia đã được kết nối và điều này tạo điều kiện thuận lợi lớn cho người dân. Ví dụ người dân di du lịch Thái Lan đợt nghỉ này không cần phải lo tiền mặt và có thể dùng ngay app ngân hàng để thanh toán. Điều này cho thấy là sự thuận tiện cho người tiêu dùng.

Mở rộng thanh toán song phương theo hình thức như trên với các quốc gia khác cũng là chủ trương sẽ được Ngân hàng Nhà nước phát triển trong thời gian tới, trước mắt là các kế hoạch hợp tác với Lào và Hàn Quốc để triển khai ngay trong năm 2024.

Bên cạnh các mặt tích cực, chúng ta cũng cần có khung pháp lý rõ ràng, vì thời gian tới lừa đảo số liên quan đến ứng dụng công nghệ sẽ ngày càng tinh vi hơn và chúng ta phải chủ động đối phó.

Hoàng Long (ghi)