Nhân sự ngân hàng biến động: Nơi cắt giảm nghìn người, chỗ tăng cường tuyển dụng
Loạt ngân hàng cắt giảm nhân sự
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2024 (trừ Agribank và BaoViet Bank) mới công bố cho thấy năm vừa qua, số lượng nhân sự của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh.
Tính đến cuối năm 2024, BIDV vẫn là ngân hàng có quy mô nhân sự lớn nhất với 28.998 người. Tuy nhiên, đây cũng là năm ngân hàng này cắt giảm nhân sự mạnh nhất khi giảm tới 999 người – con số cao nhất trong vòng 7 năm qua. Đáng chú ý, lần gần nhất BIDV cắt giảm nhân sự là vào năm 2017, nhưng khi đó số lượng chỉ ở mức 200 người, thấp hơn nhiều so với năm 2024.
Cùng chung xu hướng, nhiều ngân hàng như Sacombank, ACB, VIB, TPBank cũng cắt giảm hàng loạt nhân sự trong năm vừa qua. Cụ thể, Sacombank đã cắt giảm tới 426 nhân sự, ACB cắt giảm 365 nhân sự hay VIB cắt giảm tới 517 nhân sự. Trong khi đó, TPBank cắt giảm 49 nhân sự. Riêng Sacombank, trong vòng 5 năm trở lại đây, ngân hàng này đã có 3 lần cắt giảm nhân sự với số lượng lớn, cụ thể năm 2020 giảm 591 người, năm 2022 giảm 223 người và năm 2024 giảm 426 người.
Không riêng các ngân hàng quy mô lớn, xu hướng cắt giảm nhân sự còn xuất hiện tại nhiều ngân hàng top dưới về quy mô như ABBank (giảm 71 người), KienLong Bank (giảm 50 người), Nam Á Bank (giảm 40 người).
Đáng chú ý, những con số trên có thể chưa phản ánh đầy đủ thực trạng cắt giảm nhân sự trong ngành ngân hàng năm qua. Bởi các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt như SCB hay những ngân hàng mới được chuyển giao bắt buộc như GPBank, OceanBank (nay là MBV), DongA Bank và CBBank (nay là VCBNeo) đều không công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, chính những ngân hàng này lại có nguy cơ cắt giảm nhân sự cao nhất, do phải tái cơ cấu mạnh mẽ để cải thiện tình hình hoạt động.
Như trường hợp của SCB, kể từ khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, ngân hàng này liên tục thu hẹp hoạt động. Trong giai đoạn từ tháng 6/2023 đến 12/2024, SCB đã giải thể hoạt động 145 phòng giao dịch tại các tỉnh thành. Với tốc độ thu hẹp mạnh mẽ như vậy, việc ngân hàng này phải cắt giảm nhân sự gần như là điều không thể tránh khỏi.
Tương tự, các ngân hàng mới được chuyển giao bắt buộc cũng đứng trước áp lực tinh gọn bộ máy. Khi ngân hàng nhận chuyển giao triển khai mô hình quản lý công nghệ cao, tập trung hoạt động tại hội sở và tối ưu vận hành, nhiều vị trí tại chi nhánh có thể không còn cần thiết, dẫn đến việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng lại đẩy mạnh tuyển dụng thêm nhân sự với số lượng lớn, chẳng hạn như VPBank (thêm 2.455 người), HDBank (thêm 1.188 người), Vietcombank (thêm 813 người), LPBank (thêm 562 người),…
Xét về quy mô nhân sự, tính đến ngày 31/12/2024, có 4 ngân hàng có trên 20.000 nhân sự và 15 ngân hàng có dưới 10.000 nhân sự. Trong đó, BIDV là ngân hàng có nhiều nhân sự nhất (28.998 người) và SaigonBank có ít nhân sự nhất (1.491 người).
Số lượng nhân sự cắt giảm song các ngân hàng lại tăng mức chi lương và phụ cấp cho nhân viên. Theo thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng, trong năm 2024 chỉ có 5 ngân hàng cắt giảm chi phí cho nhân viên, trong đó TPBank là ngân hàng giảm mạnh nhất, hơn 730,4 tỷ đồng. Còn lại, các ngân hàng đều tăng mạnh chi phí cho nhân viên, trong đó nhiều ngân hàng như BIDV, MB, HDBank tăng tới hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho nhân viên.
Nhân sự ngành ngân hàng trước làn sóng chuyển đổi số
Bước sang năm 2025, làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp diễn. Ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã rục rịch cắt giảm hàng trăm nhân sự khiến nhiều người làm việc trong ngành trước nay vẫn được xem là “hot” nhất đứng ngồi không yên.
Thực tế, trong nội dung tái cơ cấu của ngành ngân hàng, hoạt động tái cơ cấu nguồn nhân lực cũng là một phần quan trọng cần phải thực hiện nhằm giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp với xu hướng phát triển và yêu cầu mới của thị trường.
Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu nguồn nhân lực là tinh gọn bộ máy, loại bỏ những vị trí không còn phù hợp và sàng lọc nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này không chỉ giúp ngân hàng cắt giảm chi phí mà còn tạo ra một đội ngũ tinh nhuệ hơn, giúp tối ưu hóa hiệu suất lao động.
Bên cạnh đó, xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động ngân hàng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến động nhân sự trong ngành này thời gian vừa qua. Việc ứng dụng công nghệ, AI tại các ngân hàng được cho là sẽ làm thay đổi cơ cấu nhân sự trong ngành này theo chiều hướng giảm tỷ trọng giao dịch viên, cán bộ tác nghiệp trực tiếp và gia tăng tỷ trọng nhân lực công nghệ thông tin và nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo hồi tháng 6/2024 của Ngân hàng Citi chỉ ra, AI có khả năng thay thế nhiều việc làm hơn trong ngành ngân hàng trên toàn cầu so với bất kỳ lĩnh vực nào khác. Theo báo cáo này, có khoảng 54% công việc trong ngành ngân hàng có tiềm năng cao sẽ được tự động hóa. Còn theo khảo sát của Bloomberg Intelligence (BI), các ngân hàng đầu tư toàn cầu ở Phố Wall (Mỹ) có thể sử dụng AI để thay thế đến 200.000 nhân viên trong những năm tới.
Tuy nhiên, trong chia sẻ với VietnamFinance, lãnh đạo của một ngân hàng TMCP cho rằng: “Thay vì ‘cắt giảm’ thì nói chuyển đổi số giúp điều chỉnh cơ cấu nhân sự trong ngành ngân hàng sẽ chính xác hơn”.
Theo vị lãnh đạo này, làn sóng chuyển đổi số và ứng dụng AI đang trở thành xu thế tất yếu, giúp các ngân hàng tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu suất. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là trong mảng chăm sóc khách hàng, nơi AI hiện có thể xử lý tới 95% các thắc mắc của khách hàng, qua đó giảm đáng kể khối lượng công việc cho nhân viên và giúp họ tập trung vào những nhiệm vụ mang tính chiến lược hơn.
“Thế nhưng ngành ngân hàng là ngành có chuyên môn cao nên để AI có thể thay thế hoàn toàn 100% công việc là một chuyện khó. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể tránh khỏi, các ngân hàng sẽ tuyển dụng nhân sự với yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn, đòi hỏi nhân sự ngành ngân hàng không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải làm chủ được công nghệ. Thậm chí, hiện tại, có những ngân hàng gần như không còn tuyển sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm đối với một số vị trí nhất định”, vị này cho hay.
Nhân sự số chất lượng cao chính là lợi thế cạnh tranh của ngân hàng trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng và của hội nhập kinh tế quốc tế…; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng có trình độ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại.
Dẫu vậy, bài toán nhân sự số trong quá trình số hóa ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa có lời giải khi nguồn cung không theo kịp nhu cầu. Các ngân hàng đang chạy đua chuyển đổi số, nhưng nhân sự có chuyên môn về công nghệ tài chính vẫn khan hiếm. Điều này không chỉ tạo ra áp lực lớn trong việc tuyển dụng mà còn khiến cuộc cạnh tranh giữa các nhà băng ngày càng gay gắt để thu hút và giữ chân những nhân tài hiếm hoi trong lĩnh vực này.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn