Nhập cuộc đường đua tín dụng 2025: Ngân hàng bứt phá từ kỳ tích năm 2024
Năm 2025, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư công đang phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn tín dụng lan tỏa rộng khắp nền kinh tế. Trên cơ sở đó, các ngân hàng sớm lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng, tận dụng dư địa từ chính sách và phát huy lợi thế nội tại tích lũy trong suốt năm 2024.
Đường đua tín dụng từ kế hoạch kinh doanh 2025
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2025 ở mức 16%. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế đang hồi phục và chính sách điều hành linh hoạt, MBS dự báo tín dụng toàn hệ thống có thể tăng từ 17 đến 18%.
![]() |
Bám sát thực tế, các ngân hàng thương mại cũng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh 2025 theo hướng chủ động và tích cực hơn. Trung bình, các ngân hàng TMCP lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong khoảng 15–18%. Đáng chú ý, nhóm tư nhân tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt với nhiều ngân hàng đặt mục tiêu vượt 20%.
Năm 2025, HDBank dự trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao Top đầu ngành, giữ mức 26%. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27%. Tổng tài sản kỳ vọng tăng 28%, đạt 890.442 tỷ đồng; tổng huy động tăng 28%, đạt 792.812 tỷ đồng; tổng dư nợ tăng 32%, đạt 579.896 tỷ đồng.
Đặc biệt, HDBank quyết tâm dẫn đầu ngành với tỷ lệ ROE và ROA lần lượt 26,2% và 2,15%.
HDBank đưa ra nhiều mục tiêu hành động khác như chuyển đổi mạnh mẽ khách hàng của hệ sinh thái để tăng trưởng mạnh số lượng khách hàng, phát triển các kênh phân phối đại lý thanh toán, ngân hàng đại lý; Cung cấp sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo; Chuyên môn, tập trung hoá hoạt động kinh doanh, kiểm soát rủi ro và vận hành; Triển khai văn hoá thực thi, tái định vị thương hiệu, giá trị cốt lõi, song hành với việc xác định, định vị chiến lược, thương hiệu VikkiBank.
Bên cạnh HDBank, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 24%, tiếp tục tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân có tài sản đảm bảo và tài chính tiêu dùng. MB cũng duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định với kế hoạch tín dụng tăng khoảng 20,2%. Ngân hàng tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái khách hàng đặc thù, đồng thời đẩy mạnh số hóa trong các sản phẩm tín dụng cá nhân.
VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 22%, tiếp tục theo đuổi chiến lược bán lẻ, tập trung vào cho vay nhà ở, ô tô và tiêu dùng cá nhân. Tỷ lệ tín dụng bán lẻ tại VIB hiện chiếm đến 80% tổng dư nợ, giúp ngân hàng duy trì biên lợi nhuận ổn định và kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Bệ phóng vững chắc từ thành tích tăng trưởng 2024
Theo MBS, năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 17,7%, vượt xa mục tiêu ban đầu và đánh dấu năm tăng trưởng mạnh nhất trong ba năm. Trong đó, nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt dòng vốn, với nhiều đại diện ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt trội.
HDBank là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, đạt 27%. Tổng dư nợ đến cuối năm 2024 vượt mốc 437.000 tỷ đồng. Cùng với đó, HDBank giữ vững tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, kiểm soát rủi ro tốt hơn so với trung bình ngành. Bên cạnh, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ghi nhận 16.731 tỷ đồng, tăng 29% – đánh dấu năm thứ 12 HDBank tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp.
Động lực tăng trưởng là nhờ HDBank tập trung hướng tới những ngành là mũi nhọn kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp SMEs, tài trợ chuỗi lớn (Petrolimex, GS25)... và phát hành trái phiếu xanh 3.000 tỷ đồng, tạo nguồn vốn trung dài hạn cho các dự án hướng đến môi trường và phát triển kinh tế xanh.
Top 2 là MB với tốc độ tăng trưởng đạt hơn 24% nhờ chiến lược xây dựng hệ sinh thái tài chính đa chiều và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Trong khi Techcombank ghi nhận ở vị trí Top 3 với lợi thế nhờ quy mô, thì VIB ở vị trí Top 4 đang rút ngắn khoảng cách 0,2 điểm nhờ vượt trội hơn trong tỷ trọng dư nợ bán lẻ, đạt đến 80%. Mức tăng trưởng ấn tượng của VIB đến từ định hướng tập trung vào phân khúc khách hàng chất lượng cao, có tài sản đảm bảo tốt, cùng với việc đưa ra thị trường nhiều gói vay cho khách hàng cá nhân với lãi suất cạnh tranh.
Các ngân hàng như LPBank, SeABank, TPBank… cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng quanh mức 18–20%, góp phần giữ nhịp ổn định cho toàn hệ thống.
Bên cạnh kết quả tăng trưởng, năm 2024 đánh dấu thời điểm hệ thống ngân hàng củng cố chất lượng tài sản. Theo MBS, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm xuống còn 1,91%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) được cải thiện đáng kể, đạt trên 90%. Các ngân hàng như HDBank, VIB, TPBank, ACB đều giữ mức LLR cao và tỷ lệ nợ nhóm 2 liên tục giảm liên tiếp trong 4 quý.
Cùng với đó, thu nhập ngoài lãi trong quý IV/2024 đã phục hồi rõ nét, tạo động lực mới cho tăng trưởng lợi nhuận năm 2025. Nhiều ngân hàng kỳ vọng thu nhập từ dịch vụ, thẻ, thanh toán và bảo hiểm sẽ đóng góp tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn