Hiệu suất đầu tư tích cực
“Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy loại hình quỹ khá đa dạng, có quỹ thiên về cổ phiếu, trái phiếu hoặc cân bằng. Chiến lược đầu tư của các quỹ cũng khác nhau, có thể an toàn hoặc ‘liều lĩnh’ hơn. Cuối cùng, tôi chọn một quỹ có hiệu suất đầu tư cao và rót tiền mua chứng chỉ quỹ đều đặn hàng tháng”, nhà đầu tư Hoàng Minh chia sẻ.
“Chứng chỉ quỹ đang giúp tôi có lợi nhuận khả quan. Việc ‘gửi gắm’ vào các chuyên gia quản lý quỹ làm tôi cảm thấy yên tâm và giảm thời gian theo dõi thị trường”, anh Minh nói và cho biết, cộng đồng nhà đầu tư chứng chỉ quỹ ngày càng mở rộng, biến hành động mua chứng chỉ quỹ thành thói quen hàng tháng và xem đây là hình thức tích sản.
Theo VinaCapital, tính đến ngày 19/12/2023, VN-Index tăng 8,6% so với đầu năm. Trong khi đó, hiệu suất đầu tư của Quỹ VESAF đạt 27,6%, Quỹ VEOF đạt 16,3%.
Số liệu của Dragon Capital cho thấy, các quỹ do Công ty quản lý ghi nhận kết quả đầu tư tích cực trong năm 2023, tính tới ngày 19/12, giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ của Quỹ DCDS tăng 23,2%, Quỹ DCDE tăng 19,4%.
Trong cùng khoảng thời gian, các quỹ mở của VCBF cũng đạt kết quả đầu tư khả quan: Quỹ VCBF-TBF đạt tỷ suất lợi nhuận 12,7%, Quỹ VCBF-MGF đạt 26%, Quỹ VCBF-BCF đạt 11,1%.
Ở nhóm quỹ trái phiếu, Quỹ DCBF đạt hiệu suất đầu tư 8,5%, Quỹ VCBF-FIF đạt 9,2%.
Gia tăng sức hấp dẫn
Dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho hay, tính đến cuối tháng 10/2023, VSDC cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 53 quỹ mở, tăng 12 quỹ so với cuối năm 2022. Cơ cấu 53 quỹ mở bao gồm 25 quỹ đầu tư cổ phiếu, 23 quỹ đầu tư trái phiếu và 5 quỹ đầu tư cân bằng. Số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở tính tới cuối tháng 9/2023 đạt 1.197.212 tài khoản, tăng 29,8% so với cuối năm 2022.
Một số quỹ có số lượng nhà đầu tư tham gia tăng nhanh như Dragon Capital hiện có hơn 150.000 nhà đầu tư, gấp 10 lần so với 2 năm trước. Tại VinaCapital, trong 8 năm gần đây, bình quân lượng nhà đầu tư chứng chỉ quỹ mới tăng 70%/năm.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngắn hạn giảm xuống mức thấp kỷ lục, bên cạnh dòng vốn đầu tư chủ động, dòng tiền nhàn rỗi từ kênh tiết kiệm có thể chuyển hướng tới các sản phẩm tài chính như chứng chỉ quỹ.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại nhà nước bình quân là 2,8%/năm, tại các ngân hàng thương mại cổ phần là 3,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%/năm. Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2024.
Các công ty quản lý quỹ đang chủ động khai thác nhóm khách hàng mới. Chẳng hạn, với sự phát triển của mạng xã hội, các kênh tin tức, nhiều công ty quản lý quỹ đã và đang cung cấp thông tin đều đặn hàng ngày tới khách hàng và người quan tâm, thường xuyên tổ chức hội thảo cung cấp kiến thức đầu tư và cập nhật diễn biến thị trường tới nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, đầu tư chứng chỉ quỹ dần trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam, nhưng các chuyên gia khuyến nghị, khi đầu tư chứng chỉ quỹ, cách tối ưu nhất là nắm giữ dài hạn, các biến động ngắn hạn không phản ánh được mức độ tăng trưởng của chứng chỉ quỹ và các quỹ khó thay đổi cơ cấu tài sản nhanh chóng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ngoài ra, phí giao dịch chứng chỉ quỹ cao hơn so với giao dịch cổ phiếu, nếu thường xuyên “lướt sóng” sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Phí bán chứng chỉ quỹ hiện dao động từ 0,5 - 2%/giá trị giao dịch, tùy vào thời hạn nắm giữ. Đơn cử, với chứng chỉ quỹ của VinaCapital, nếu nhà đầu tư nắm giữ dưới 1 năm thì phí bán là 2%/giá trị giao dịch, từ 1 năm đến dưới 2 năm là 1,5%/giá trị giao dịch, trên 2 năm là 0,5%/giá trị giao dịch. Khoản phí này cao hơn đáng kể so với phí giao dịch cổ phiếu (từ 0,1 - 0,35%/giá trị giao dịch).