Nhiều cái tên “chây ì” mùa đại hội

Nhiều cái tên chưa hoàn thành nghĩa vụ

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa một loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo như VE2 (của CTCP Xây dựng điện VNECO2), C21 (của CTCP Thế kỷ 21), POM (của CTCP Thép Pomina), LCS (của CTCP Licogi 166), LUT (của CTCP Đầu tư Xây dựng Lương Tài), TKC (của CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ)… với lý do chậm tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chậm nhất là ngày 30/4/2024, các doanh nghiệp (có năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2023) phải tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Nếu gia hạn tổ chức, đại hội cũng không được muộn hơn ngày 30/6/2024.

Quan sát những doanh nghiệp trên, điểm chung dễ thấy là tình hình kinh doanh hầu hết đều có vấn đề.

Thực tế, việc tổ chức đại hội cổ đông của VNECO2 những năm gần đây đều gặp khó khăn, do Công ty đang có tranh chấp nội bộ. Về kế hoạch tổ chức đại hội năm 2024, trong thông tin công bố hồi tháng 3/2024, VNECO2 gia hạn tổ chức đại hội trong tháng 6. Nhưng đến nay, dù đã quá thời hạn này, Công ty chưa có thông báo thêm.

Năm 2023, VNECO2 cho biết, do phải tập trung giải quyết các tồn tại do các sai phạm của ban lãnh đạo cũ gây ra nên việc sản xuất - kinh doanh bị chậm lại. Công ty chỉ thực hiện các hợp đồng đã ký, thu hồi công nợ, dẫn đến thua lỗ hơn 3 tỷ đồng. Đến hết quý I/2024, VNECO2 tiếp tục lỗ sau thuế thêm 526 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, tại CTCP Licogi 166 (mã LCS), vào tháng 3/2023, Hội đồng quản trị đã thông qua nghị quyết tạm dừng kinh doanh một năm kể từ ngày 15/3/2023 – 14/3/2024 với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Do đó, Công ty xin tạm dừng hoạt động để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Thay vào đó, Licogi 166 sẽ thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để thanh toán các khoản nợ.

Hoạt động kinh doanh của Licogi 166 tập trung vào lĩnh vực thi công xây lắp và sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng. Thực tế, từ năm 2019, Công ty đã gặp khó khăn về tài chính do thiếu việc làm, nhiều dự án triển khai bị vướng mắc, bị đọng vốn… Không có tiền để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh.

Đến nay, đã quá thời hạn xin tạm dừng hoạt động, Licogi 166 vẫn chưa có dấu hiệu của việc trở lại. Doanh nghiệp không có thông tin nào công bố từ năm 2023. Website của Licogi 166 hiện cũng không còn hoạt động.

Trong khi đó, Thép Pomina (mã POM) mới tổ chức đại hội cổ đông bất thường 2024 vào đầu tháng 3, song doanh nghiệp này vẫn chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên do chưa ra được báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023.

Thép Pomina từng chia sẻ, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ làm việc với nhà đầu tư để sớm có bản thoả thuận hợp tác đầu tư, cung cấp cho công ty kiểm toán, từ đó đơn vị kiểm toán có căn cứ đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, thông qua các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn lưu động. Công ty cũng dự kiến “sẽ công bố báo cáo kiểm toán 2023 chậm nhất vào ngày 20/6, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các tài liệu để tổ chức đại hội trong thời gian sớm nhất”. Nhưng đến nay, Pomina vẫn im hơi lặng tiếng.

Trước đó, Pomina cũng thông tin về việc nhà đầu tư mới đang xem xét về tiến độ, pháp lý và kỹ thuật công nghệ để đưa ra bản thoả thuận hợp tác nên cần khoảng thời gian nhất định. Có lẽ chừng nào Pomina chưa hoàn tất công bố báo cáo tài chính thì cổ đông vẫn chưa nhận được thông tin về việc tổ chức đại hội năm nay.

Theo báo cáo tài chính quý I/2024, Thép Pomina tiếp tục lỗ sau thuế 224,9 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 1.697,1 tỷ đồng, bằng 60,7% vốn điều lệ (2.796,8 tỷ đồng).

So với các doanh nghiệp kể trên, CTCP Thế kỷ 21 có diễn biến tích cực hơn, do đã chốt được danh sách cổ đông tham dự đại hội năm nay, dự kiến tổ chức vào ngày 12/8 tới, tức quá thời hạn hơn 40 ngày. Đồng thời, tình hình kinh doanh của C21 cũng khả quan hơn khi mang về hơn 5,2 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý đầu năm 2024, gấp nhiều lần so với con số 263 triệu đồng trong cùng kỳ năm ngoái nhờ tình hình kinh doanh tốt hơn và doanh nghiệp tiết giảm mạnh chi phí.

Ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, bên cạnh một số doanh nghiệp tổ chức đại hội muộn do tổ chức bất thành trong thời gian quy định, phần lớn các doanh nghiệp tổ chức đại hội muộn năm nay là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tập trung ở ngành bất động sản, xây lắp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Nhiều cổ phiếu trong số này không có thanh khoản, dù doanh nghiệp mang hình thức đại chúng nhưng cách thức hoạt động không thể hiện hoàn toàn được tính đại chúng. Bên cạnh đó, do lượng giao dịch thấp nên việc tổ chức đại hội không có nhiều ý nghĩa, doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc gặp gỡ cổ đông. Việc tổ chức không tránh khỏi việc chỉ mang tính đối phó.

Ông Minh nhìn nhận, trên cả ba sàn chứng khoán hiện nay, sàn HOSE với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về sức khỏe tài chính, quản trị doanh nghiệp, do đó, tính tuân thủ các quy định về quản trị công ty, trong đó có quy định về tổ chức đại hội cổ đông của các doanh nghiệp trên sàn này cũng tốt nhất.

Rõ ràng, việc doanh nghiệp tổ chức đại hội muộn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi cổ đông. Bởi đại hội cổ đông là dịp các cổ đông nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện quyền chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp cũng như thảo luận về kế hoạch, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mà họ góp vốn. Những thông tin, cảm nhận từ đại hội cổ đông sẽ là căn cứ quan trọng cho quyết định của cổ đông, nhà đầu tư.

Cũng theo ông Minh, một trong những nội dung chính được thảo luận tại đại hội cổ đông là kế hoạch kinh doanh năm mới, nhưng đến tháng 8 mới tổ chức thì đã qua 2/3 thời gian của năm, việc tổ chức lúc này không mang lại nhiều ý nghĩa.

“Những doanh nghiệp không tổ chức đại hội, không có tính đại chúng thực chất cũng như không tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thì tốt nhất là nên loại hoàn toàn khỏi thị trường chứng khoán, kể cả sàn UPCoM để nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường. Còn nếu vẫn chỉ phạt, cảnh báo thì tình trạng này vẫn tiếp diễn trong nhiều năm tới”, ông Minh kiến nghị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn