Nhiều công ty chứng khoán nhộn nhịp ‘khoe lãi’
Mới nhất, Chứng khoán VIX (VIX) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 202 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng trưởng tới 1.597% so với khoản lãi vỏn vẹn 12 tỷ của cùng kỳ năm 2023.
Tổng doanh thu hoạt động trong 3 tháng đầu năm tăng 33% lên 361 tỷ đồng, chiếm phần lớn là 204 tỷ từ lãi tài sàn FVTPL, ngoài ra còn hơn 115 tỷ đồng lãi từ cho vay và phải thu.
Tính tới 31/3/2024, danh mục FVTPL của Chứng khoán VIX có giá trị ghi sổ hơn 4.900 tỷ, giá trị hợp lý gần 5.218 tỷ đồng. Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán tăng 1.151 tỷ đồng sau 3 tháng, lên 4.159 tỷ đồng.
Hầu hết các công ty chứng khoán đều báo lãi quý I/2024. |
Hay như Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) công bố BCTC quý I với doanh thu hoạt động tăng mạnh 82% so với cùng kỳ lên 1.694 tỷ đồng. Riêng lãi cho vay và phải thu cao gấp 2,1 lần cùng kỳ, đạt 573 tỷ; tương tự lãi từ tài sản FVTPL cao gấp 3,1 lần cùng kỳ, đạt 634 tỷ đồng. Doanh thu môi giới của TCBS tăng trưởng 76% so với quý I/2023 lên 146 tỷ.
Kết quả, TCBS ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.160 tỷ đồng, tăng trưởng 159% so với cùng kỳ. Đây cũng đồng thời là mức lãi cao nhất công ty ghi nhận kể từ quý 1/2022.
Tương tự, Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận doanh thu hoạt động gần 674 tỷ đồng, tăng 101%, trong đó tăng trưởng trong hầu hết các mảng nghiệp vụ chính. Khấu trừ chi phí, lãi trước thuế của MBS đạt 230 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và hoàn thành khoảng 25% kế hoạch năm.
Tình hình khả quan cũng ghi nhận tại Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Công ty đạt 148 tỷ đồng doanh thu hoạt động trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu có đóng góp lớn nhất từ lãi cho vay và phải thu với 86 tỷ đồng, tăng gần 41%. Doanh thu môi giới cũng tăng 63% lên xấp xỉ 49 tỷ.
Khấu trừ các khoản chi phí liên quan, Chứng khóa Yuanta Việt Nam lãi trước thuế 47 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng trưởng 92% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 37 tỷ đồng.
Chứng khoán DSC (DSC) cũng bứt tốc với doanh thu hoạt động quý I/2024 cao gấp đôi cùng kỳ lên 134 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất là 47 tỷ từ lãi cho vay và phải thu, 45 tỷ lãi từ tài sản FVTPL và gần 34 tỷ từ môi giới. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 74 tỷ đồng, tăng mạnh 429% so với cùng kỳ năm 2023.
Lội ngược dòng, CTCP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) thành công chuyển từ lỗ trong cùng kỳ năm trước sang lãi trong quý I/2024 với doanh thu hoạt động tăng 66% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tăng chậm hơn với 14%. Qua đó, công ty lãi trước thuế gần 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1 tỷ.
Chiều ngược lại, Chứng khoán NH Việt Nam và Chứng khoán Đại Việt (DVSC) là những cái tên mới công bố BCTC quý I nhưng không thực sự tích cực khi cả doanh thu hoạt động cũng như lợi nhuận đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. NH Việt Nam lãi trước thuế khoảng 10 tỷ, giảm 11% trong khi DVSC báo lợi nhuận trước thuế sụt phân nửa xuống còn 5 tỷ đồng trong kỳ báo cáo.
Thậm chí, Chứng khoán Asean công bố BCTC quý I/2024 với doanh thu hoạt động xấp xỉ 21 tỷ đồng, sụt giảm tới 53% so với cùng kỳ. Đà giảm chủ yếu đến từ lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn HTM giảm mạnh từ mức 25 tỷ trong cùng kỳ năm trước xuống còn 5 tỷ trong kỳ này. Bên cạnh đó doanh thu môi giới cũng giảm mạnh 76% xuống còn hơn 5 tỷ. Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng nhẹ lên hơn 8 tỷ.
Trừ đi chi phí hoạt động và các chi phí quản lý công ty chứng khoán có liên quan, công ty báo lãi trước thuế 3 tháng đầu năm gần 15 tỷ đồng, giảm khoảng 28% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, Chứng khoán Asean ghi nhận hơn 317 tỷ đồng tổng tài sản, chiếm tỷ trọng lớn là tiền gửi ngân hàng với hơn 267 tỷ, bên cạnh đó dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán là gần 20 tỷ.
Châu Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn