Nhiều công ty tài chính đổi chủ

Tập đoàn Home Credit vừa công bố đã ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX), Thái Lan. Theo công bố, thương vụ này trị giá khoảng 800 triệu euro (xấp xỉ 22.000 tỉ đồng). Quá trình chuyển giao dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.

Home Credit Việt Nam hiện là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, thị phần lớn thứ 2 và chiếm khoảng 14% tổng giá trị thị trường. Công ty có khoảng 6.000 nhân viên, phục vụ hơn 15 triệu khách hàng trên cả nước.

Trong khi đó, SCB là ngân hàng lâu đời nhất ở Thái Lan, tổng tài sản đứng thứ 4 tại nước này. SCBX - công ty mẹ của SCB - cũng là một trong những tập đoàn công nghệ tài chính hàng đầu tại Thái Lan.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã ký hợp đồng bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ được công bố có giá trị 4.300 tỉ đồng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, không chỉ 2 thương vụ kể trên, thị trường cho vay tiêu dùng thời gian qua liên tục ghi nhận những cuộc đổi chủ, trong đó người mới hầu hết đến từ Thái Lan hoặc Nhật Bản. Năm 2023, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan.

Nhiều công ty tài chính đổi chủ- Ảnh 1.

Home Credit hiện là công ty cho vay tiêu dùng lớn nhất nhì tại Việt Nam. Ảnh: BÌNH AN

Cách đây 2 năm, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản). Thương vụ này mang về cho VPBank hàng chục ngàn tỉ đồng.

Những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra trong bối cảnh thị trường cho vay tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ tại hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2024 mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết doanh thu của 16 công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường đều sụt giảm mạnh trong năm 2023. FE Credit cũng nằm trong số đó khi nhu cầu vay sụt giảm và khả năng hoàn trả của người vay rất thấp. "Công ty tài chính không dám đẩy mạnh cho vay khi rủi ro thị trường gia tăng. Dù các bên đã chủ động tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn cần chính sách đồng bộ để tháo gỡ liên quan thu hồi nợ vay" - ông Vinh kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng hoạt động cho vay tiêu dùng đang đối diện với áp lực nợ xấu tăng cao khi số khách hàng cố tình không trả nợ, thậm chí thành lập hội nhóm "bùng nợ" ngày càng nhiều. Thực trạng này buộc các công ty tài chính phải siết chặt việc thẩm định khiến cho vay ngày càng khó. Do vậy, rất cần giải pháp đồng bộ gỡ vướng cho lĩnh vực này.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để cho vay tiêu dùng phục hồi. 

Dư địa phát triển còn rất lớn

Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định những khó khăn hiện tại của lĩnh vực cho vay tiêu dùng chỉ là bề nổi và nhất thời, trong khi dư địa phát triển trong tương lai còn rất lớn. Các đối tác từ Nhật Bản, Thái Lan khi gia nhập Việt Nam sẽ đem kinh nghiệm, cách quản lý, vận hành vào thị trường và mở ra giai đoạn phát triển bền vững hơn. Thị trường tài chính vi mô không chỉ có hoạt động cho vay mà còn rất nhiều cơ hội khác ở thị trường khoảng 100 triệu dân.


Xem thêm tại cafef.vn