Nhiều doanh nghiệp chốt quyền nhận cổ tức tiền mặt vào tuần cuối tháng 9, cao nhất 200%
CTCP Cơ khí Phổ Yên (Fomeco - Mã: FBC) là đơn vị có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán vào tuần tới.
Công ty chốt 27/9 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 200% (1 cổ phiếu nhận 20.000 đồng). Đây cũng là mức cổ tức kỷ lục của công ty.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 26/9. Ngày thanh toán dự kiến là 7/11.
Với 3,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi 74 tỷ đồng để trả cổ tức. Trong đó, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dự kiến nhận gần 38 tỷ đồng nhờ nắm 51% vốn.
Kể từ khi giao dịch UPCoM, Fomeco đều đặn chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ từ 30-65% và tăng lên 120% vào năm 2022.
Fomeco được thành lập từ năm 1974 với tên gọi ban đầu là Nhà máy vòng bi. Công ty chuyển sản xuất các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, con lăn băng tải và các sản phẩm cơ khí khác. Fomeco hiện là đối tác của nhiều công ty như Toyoya, Honda, Yamaha, Suzuki, Nippo, Piaggio, Panasonic...
CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – Mã: MCH) thông báo 26/9 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức bổ sung năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 168% (1 cổ phiếu nhận 16.800 đồng).
Với hơn 724 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi khoảng 12.200 tỷ đồng trả cổ tức. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 4/10.
Công ty TNHH MasanConsumerHoldings - đơn vị thành viên của Tập đoàn Masan (Mã: MSN) hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ đến 93,57% vốn Masan Consumer. Theo đó, số tiền mà công ty mẹ có thể thu về trong đợt chia cổ tức khoảng 11.415 tỷ đồng.
Trước đó, Masan Consumer đã tiến hành hai lần trả cổ tức tiền mặt với tổng tỷ lệ 100%. Tính cả đợt chia bổ sung, mức cổ tức tiền mặt năm 2023 mà công ty chi trả lên tới 268%.
CTCP Xếp dỡ và Dịch vụ Cảng Sài Gòn (Sasteco - Mã: SAC) thông báo 30/9 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức lũy kế đến năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 70,65%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận được 7.065 đồng).
Ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 27/9. Ngày thanh toán dự kiến là 15/10.
Với hơn 3,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sasteco cần chi gần 28 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đó, CTCP Cảng Sài Gòn dự kiến nhận khoảng 14 tỷ đồng do sở hữu 51,43% vốn.
Sasteco là doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ dao động 8 – 12%. Năm 2023, tỷ lệ cổ tức tăng vọt lên 70,65%, đây cũng là mức kỷ lục của công ty.
Sasteco tiền thân là Xí nghiệp Xếp dỡ và Dịch vụ Cảng Sài Gòn, được thành lập vào năm 2008. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xếp dỡ, giao nhận, đóng gói hàng hóa với công suất hoạt động trên 11 triệu tấn/năm.
Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR) thông báo ngày 30/9 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 27,2% (1 cổ phiếu nhận 2.720 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 27/9. Ngày thanh toán dự kiến là 18/10.
Với hơn 114 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Viettel Construction cần chi hơn 310 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), tổ chức nắm 65,66% vốn của Viettel Construction, sẽ nhận được gần 204 tỷ đồng.
Trong khi các năm trước, công ty thường trả cổ tức vừa bằng tiền mặt và cổ phiếu thì năm 2023 phương án được ĐHĐCĐ thông qua chỉ là trả cổ tức tiền mặt.
Cổ đông CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) sắp nhận cổ tức tiền mặt đợt cuối năm 2023 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tổng tỷ lệ 24,5% (1 cổ phiếu nhận 2.450 đồng).
Cụ thể, Vinamilk sẽ trả cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ 9,5% (1 cổ phiếu nhận 950 đồng) và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng).
Ngày đăng ký cuối cùng là 25/9, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/9. Ngày thanh toán dự kiến là 24/10.
Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk cần chi hơn 4.900 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thể bỏ túi khoảng 1.764 tỷ đồng do nắm 36% vốn.
Nhóm F&N của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm 20,39% vốn nhận khoảng 999 tỷ đồng. Platinum Victory sở hữu 10,62% vốn nhận hơn 520 tỷ đồng cổ tức.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông Vinamilk đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 38,5%. Như vậy, công ty đã hoàn thành kế hoạch đặt ra, vì trước đó, công ty đã tạm ứng 3 đợt cổ tức với tổng tỷ lệ 29%.
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Ba năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) ở mức 38,5%, năm 2020 là 41%, năm 2019 là 45%.
Xem thêm tại vietnambiz.vn