Nhiều doanh nghiệp niêm yết chủ động kết nối với nhà đầu tư

“Mở lòng” với cổ đông…

Ông Nguyễn Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM) cho biết, trong thời gian qua, hoạt động tăng cường kết nối với nhà đầu tư trên tinh thần doanh nghiệp chủ động chia sẻ thông tin, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, trung thực, kịp thời đã nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng nhà đầu tư. Hoạt động này được Công ty thực hiện qua cả 2 hình thức là trực tiếp và gián tiếp.

Thứ nhất, Dệt may Thành Công làm việc trực tiếp với nhà đầu tư thông qua các cuộc họp Analyst Meeting do Công ty tổ chức định kỳ hoặc khi có sự kiện cần chia sẻ đến cộng đồng nhà đầu tư và thông qua các cuộc họp khi các nhà đầu tư, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư có nhu cầu tìm hiểu về hoạt động doanh nghiệp.

Thứ hai, Dệt may Thành Công chủ động công bố thông tin về tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh hàng tháng, đồng thời cập nhật tình hình và xu hướng ngành dệt may trong nước và thế giới cũng như các thông tin liên quan đến hoạt động Công ty qua Bản tin Nhà đầu tư hàng tháng. Bên cạnh đó, Dệt may Thành Công giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin, số liệu mà nhà đầu tư cần thông qua email hoặc trao đổi trực tiếp qua điện thoại. Ngoài ra, Công ty thường xuyên chia sẻ những kế hoạch, hoạt động đầu tư, chiến lược kinh doanh và góc nhìn của doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông để cộng đồng nhà đầu tư và các bên liên quan có thể hiểu sâu hơn về Dệt may Thành Công.

Ông Tùng cho biết thêm, Công ty tham gia sâu vào hoạt động xuất nhập khẩu và phần lớn doanh thu lẫn chi phí được ghi nhận bằng USD, nên tỷ giá USD/VND tăng thường có lợi cho xuất khẩu, vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vay nợ bằng USD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi gánh chi phí tăng thêm, còn doanh nghiệp nào không vay USD mà vay bằng VND thì có lợi. Về phía Dệt may Thành Công, Công ty sẽ cân nhắc lãi suất USD, VND và biến động tỷ giá để lựa chọn nên vay bằng loại tiền nào, nên biến động tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, Công ty có thể tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024: doanh thu 3.707 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 161 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 20% so với năm 2023.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), định kỳ hàng quý, Ngân hàng tổ chức hội nghị nhà đầu tư để cập nhật thông tin về kết quả kinh doanh, kế hoạch cho từng giai đoạn tiếp theo và các hội nghị đều có sự tham gia của các lãnh đạo phòng ban chủ chốt, sẵn sàng trả lời câu hỏi của cổ đông, nhà đầu tư.

Năm 2024, MB kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt cao hơn so với mức 16% được giao và lợi nhuận ghi nhận hơn 28.800 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng của MB trong năm nay và các năm tiếp theo dựa trên 3 động lực chính là bán lẻ, chuyển đổi số và hiệp lực tập đoàn.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG), doanh nghiệp này mở chuyên trang quan hệ cổ đông trên website để cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Quan hệ cổ đông (IR) được Công ty coi là một mảng quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp và được thực hiện tương đối nhuần nhuyễn với sự phối kết hợp thông suốt của nhiều bộ phận, phòng ban và sự hỗ trợ của Ban lãnh đạo doanh nghiệp.

… Giúp doanh nghiệp đến gần hơn với nhà đầu tư

Vấn đề cốt lõi với các doanh nghiệp vẫn là hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững, nhưng doanh nghiệp cũng cần truyền tải chính xác, kịp thời và đầy đủ các thông tin, không che giấu thông tin bất lợi.

Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển, MB cho rằng, việc doanh nghiệp chủ động chia sẻ thông tin cho nhà đầu tư là một phần trong hoạt động IR và hoạt động này sẽ mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp trong việc cải thiện khả năng tiếp cận vốn, giúp cổ phiếu được định giá hợp lý hơn và nâng cao tính thanh khoản. Đồng thời, hoạt động IR tốt góp phần giữ chân cổ đông hiện hữu, thu hút thêm nhiều cổ đông mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất cảm ơn nhà đầu tư đã giúp MB vượt trội trên thị trường, với tốc độ tăng trưởng vốn hoá nhanh, giai đoạn 2017 - 2024 vốn hoá tăng 7 lần, cao hơn mức chung của thị trường”, ông Đức chia sẻ.

Ngoài ra, hoạt động IR cũng là kênh để tiếp nhận, phản hồi và trao đổi thông tin 2 chiều giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, qua đó doanh nghiệp có những góc nhìn đa chiều hơn trong việc xây dựng chiến lược doanh nghiệp phù hợp và đồng thời làm rõ thông tin cho các nhà đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp có thể hoàn thiện ngày một tốt hơn trong hoạt động quản trị cũng như hoạt động IR.

Vấn đề cốt lõi với các doanh nghiệp vẫn là hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững, nhưng doanh nghiệp cũng cần truyền tải chính xác, kịp thời và đầy đủ các thông tin, không che giấu thông tin bất lợi đến nhà đầu tư thông qua các phương tiện truyền thông chính thống theo quy định và thông qua các cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư, nhà phân tích…

Thực tế cho thấy, giá trị của hoạt động IR là rõ ràng, có lợi cho không chỉ nhà đầu tư mà còn cho cả doanh nghiệp. Nếu công tác IR được chú trọng thực hiện sẽ giúp nhà đầu tư cập nhật thông tin kịp thời, tránh những thông tin đồn thổi không chính xác, giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với nhà đầu tư. Chính những điều này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ huy động được vốn lúc thị trường thuận lợi, mà ngay cả trong những thời điểm khó khăn của doanh nghiệp hay thị trường chung thì sự thấu hiểu của nhà đầu tư với doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn do có sự đồng hành, chia sẻ của nhà đầu tư.

Tới đây, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì công tác IR ở các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, bước lên một nấc thang mới trong quá trình minh bạch hóa thông tin một cách chính xác, kịp thời tới nhà đầu tư, góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn