Cơ sở cho kế hoạch mới
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (Dabaco, mã chứng khoán DBC) cho biết, 2023 là một năm rất khó khăn với doanh nghiệp, thậm chí là năm khó khăn nhất với cá nhân ông trong gần 28 năm điều hành doanh nghiệp. Sức mua sụt giảm và giá thịt lợn ở mức thấp nên Công ty không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Trong năm 2023, giá thịt lợn chạm đến vùng đáy 48.800 đồng/kg, dù nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, giá một số nguyên liệu chính nhập khẩu dùng cho thức ăn chăn nuôi luôn biến động, đặc biệt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước diễn biến phức tạp cũng là những thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi phải đối mặt.
Ông So cho rằng, những doanh nghiệp vượt qua năm 2023 mà không bị thua lỗ đã là nỗ lực rất lớn. Hiện tại, giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp đã qua.
Năm 2024, Dabaco tự tin khi lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận năm 2023 có thể chưa đạt 100 tỷ đồng (9 tháng đầu năm 2003 lãi 18,6 tỷ đồng). Kế hoạch này dựa trên tính toán giá thịt lợn ở mức 53.000 - 55.000 đồng/kg, thấp hơn so với nhận định của ông So là giá thịt lợn trong năm 2024 ít có khả năng về dưới mức 60.000 đồng/kg.
Theo lãnh đạo Dabaco, nguồn thu chủ yếu của Công ty đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm, giết mổ, chế biến thực phẩm, dầu thực vật, phân bón vi sinh. Ở mảng thức ăn chăn nuôi, Dabaco đầu tư hệ thống các nhà máy chế biến cao cấp tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Tĩnh, Bình Phước, Phú Thọ, có tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, ở mảng giống gia súc, gia cầm, doanh nghiệp cung cấp trên 1,5 triệu con lợn giống, trên 60.000 tấn thịt lợn…
Với ngành xây dựng, năm 2023, tình trạng gần như “đóng băng” của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến nguồn vốn của nhiều chủ đầu tư bế tắc, thiếu tiền trả cho nhà thầu, dẫn đến không ít đơn vị xây dựng không có tiền trả cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp.
Trong bối cảnh đó, ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phục Hưng (Phục Hưng Holdings, mã chứng khoán PHC) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023. Do vậy, nếu so sánh mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024 thì hầu hết sẽ tăng trưởng cao so với mức thực hiện năm 2023, bởi thị trường có triển vọng khởi sắc hơn. Năm 2023, Phục Hưng Holdings không hoàn thành kế hoạch kinh doanh và Hội đồng quản trị đang trong giai đoạn họp bàn đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Theo ông Phúc, xây lắp vẫn là mảng cốt lõi được Phục Hưng Holdings dành nhiều nguồn lực triển khai, hướng tới mục tiêu quay trở lại ngưỡng doanh thu 2.500 tỷ đồng cho riêng mảng này, vốn từng đạt được trong giai đoạn 2018 - 2019. Công ty sẽ đẩy mạnh công tác tiếp thị, đấu thầu, quảng bá thương hiệu tới các chủ đầu tư lớn, cũng như các dự án đầu tư công và các dự án có vốn nước ngoài. Về mảng bất động sản, Phục Hưng Holdings sẽ thúc đẩy triển khai các dự án như Khu dân cư An Phú - Thái Bình, Khu đô thị Bắc Nghi Kim - Nghệ An…, với doanh thu mục tiêu khoảng 100 tỷ đồng. Đối với mảng năng lượng, dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Sor 2 đang phát điện ổn định, công suất đạt 117% kế hoạch năm; dự án Thủy điện Nậm Núa 2 được triển khai đúng tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện thương mại trong quý IV/2024.
Trong ngành thép, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 900.000 tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng.
Năm ngoái, SMC đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, nhưng trong 9 tháng đầu năm, Công ty lỗ hơn 500 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do nhu cầu về thép giảm, biên lợi nhuận thu hẹp do giá thép giảm, gánh nặng chi phí tài chính và trích lập dự phòng phải thu khó đòi (kinh doanh thương mại thép nên các khoản phải thu khách hàng của SMC thường có tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, cũng là nơi phát sinh rủi ro khi các đối tác là chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn).
Doanh nghiệp dầu khí vẫn thận trọng
Với triển vọng khả quan của nhiều ngành kinh tế, kỳ vọng lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết năm 2024 sẽ tăng 16 - 17%.
Năm 2023, nhiều doanh nghiệp dầu khí đề ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn mức thực hiện năm 2022, nhưng thực tế đạt được mức cao hơn và mục tiêu lợi nhuận năm 2024 cũng đang được xây dựng theo hướng thận trọng như vậy.
Cụ thể, năm 2023, Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) đạt doanh thu hợp nhất 20.224 tỷ đồng, vượt 53% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.098 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch; tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài đạt trên 55%, tăng mạnh so với năm 2022.
PTSC cho biết, năm 2024, Công ty tiếp tiếp tục chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định. Về kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp đang xây dựng, mục tiêu năm nay là tăng trưởng so với kế hoạch năm ngoái, nhưng dự kiến sẽ thấp hơn mức thực tế đạt được của năm 2023.
Tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT), năm 2023 ước đạt doanh thu 9.600 tỷ đồng, hoàn thành 41% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 1.172 tỷ đồng, vượt 118% kế hoạch. Năm 2024, PVTrans dự kiến đề ra kế hoạch kinh doanh tăng mạnh so với kế hoạch năm 2023, nhưng so với mức đạt được của năm qua thì lãnh đạo doanh nghiệp này chưa chắc chắn vượt qua vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế, hoạt động kinh doanh của PVTrans còn được thúc đẩy bởi mảng vận tải dầu sản phẩm/hóa chất. Nguy cơ chênh lệch cung - cầu trên thị trường vận tải dầu sản phẩm/hoá chất trong năm 2024 dự kiến sẽ tác động đến giá cước. Ngoài ra, PVTrans dự kiến mở rộng đội tàu dầu sản phẩm/hóa chất để tăng doanh thu từ mảng vận tải.
Nhìn nhận bức tranh chung của doanh nghiệp niêm yết, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng trưởng dương trong quý IV/2023, giúp lợi nhuận cả năm 2023 có thể chỉ giảm 2% so với năm 2022. Đà giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường đã thu hẹp đáng kể trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện. Trong năm 2024, với sự quyết liệt trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cùng kỳ vọng khởi sắc của nhiều ngành kinh tế, có thể kỳ vọng lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 16 - 17% so với năm 2023.