Nhiều mã mất động lực tăng giá, dòng tiền hướng vào cổ phiếu penny
Thiếu hụt dòng tiền, thị trường chứng khoán không thể “giữ trận” trong tuần giao dịch vừa. VN-Index mất khoảng 40 điểm, trượt từ vùng 1.270 xuống 1.230.
Do sự thiếu hụt của thanh khoản, nhiều cổ phiếu hot đã mất đi động lực tăng giá. Trái lại, các mã vốn hóa nhỏ, có mức thanh khoản ở mức khiêm tốn lại duy trì được trạng thái tích cực.
HoSE: Cùng gặp áp lực chốt lời, TMT giữ phong độ, YEG lao dốc
Trên sàn HoSE, cổ phiếu SJC của Công ty CP SJ Group là cổ phiếu tích cực nhất khi tăng 19,24%. Nếu tính từ chân sóng vào hồi đầu tháng 12/2024, cổ phiếu này đã tăng gần 40%. Tính theo mức giá 84.900 đồng/cp, vốn hóa của SJ Group đạt gần 9.670 tỷ đồng.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu này được hỗ trợ bởi mức cổ tức 20%. Cụ thể, trong tháng 12/2024, SJ Group đã công bố thông tin về việc chi trả cổ tức năm 2016 và 2017 với tỷ lệ 10% bằng tiền mỗi năm tức tổng tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp). Thời gian thanh toán là ngày 31/12. Với gần 114 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SJS phải chi ra khoảng 228 tỷ đồng để trả cổ tức.
Sau SJS, cổ phiếu L10 đứng thứ 2 với đà tăng 14,06%. Tính theo mức giá 21.900 đồng/cp, vốn hóa của Lilama 10 đạt gần 215 tỷ đồng. Với chỉ gần 9,8 triệu cổ phiếu được lưu hành, thanh khoản của cổ phiếu này chỉ ở mức nhỏ giọt và gần như không được giao dịch trong nhiều năm trở lại đây.
Mặc dù gặp phải áp lực chốt lời, tuy nhiên cổ phiếu TMT vẫn ghi nhận mức tăng 13,39%, qua đó đứng ở vị trí thứ 3. Trước khi gặp áp lực chốt lời, cổ phiếu TMT đã có 12 phiên tăng trần liên tiếp. Tính theo giá 12.700 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Ô tô TMT đã tăng lên gần 470 tỷ đồng.
Đứng vị trí thứ 4 là cổ phiếu TCT của Công ty CP Cáp Treo Núi Bà Tây Ninh với đà tăng 12,06%. Với nhịp tăng lên mức giá 19.050 đồng/cp, vốn hóa của Cáp Treo Núi Bà Tây Ninh đã tăng lên gần 244 tỷ đồng. Xét về góc độ kỹ thuật, cổ phiếu này đã bứt phá khỏi vùng tích lũy và dự báo sẽ bước vào nhịp tăng mới.
Đứng vị trí thứ 5 là cổ phiếu APG với đà tăng ̣9,34%. Đáng nói, đây là cổ phiếu duy nhất thuộc nhóm chứng khoán duy trì được xu hướng tăng giá trong tuần vừa qua. Tính theo mức giá 7.140 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Chứng khoán APG đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Những cái tên còn lại của danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE là DMC (+9,28%), SMA (+8,47%), SPM (+6,79%), SGT (+6,51%), CIG (+6,42%).
Ngược lại, top 10 mã giảm mạnh nhất sàn HoSE trong tuần qua là YEG (-24,55%), GMC (-20,38%), DC4 (-15,04%), PAC (-16,37%), NHA (-14,93%), GIL (-14,01%), BFC (-12,42%), HRC (-12,20%), PDR (-11,74%), HDB (-11,66%).
Trong đó, YEG gây chú ý nhất khi từng là cổ phiếu hot, thu hút được nhiều nhà đầu tư nhờ concert Anh trai vượt ngàn chông gai. So với vùng đỉnh, YEG đã giảm hơn 40% và có thể chiết khấu nhiều hơn nữa.
Tương tự YEG, cổ phiếu HDB cũng bất ngờ “đổ đèo” khi giảm 4 phiên liên tiếp trong tuần. So với vùng đỉnh 26.000 đồng, mức giá hiện tại của cổ phiếu này hiện thấp hơn gần 20%.
HNX: KSV và CTP sáng cửa vượt đỉnh
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là CMC (+31,15%), PV2 (+30,77%), VMS (+30,61%), CTP (+26,64%), ARM (+22,71%), NBP (+22,22%), VE8 (+19,57%), KSV (+16,46%), BKC (+14,60%), PVB (+9,80%),
Trong nhóm cổ phiếu tăng mạnh, có thể thấy sự xuất hiện của nhiều cái tên quen thuộc như CTP, KSV, PVB,... Mặc dù không phải mã tăng mạnh nhất sàn HNX, tuy nhiên cổ phiếu này lại tương đối sáng cửa để vượt đỉnh cũ, tương ứng vùng giá 40.000 đồng/cp. Tính theo mức giá 36.600 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Hòa Bình Takara đạt hơn 440 tỷ đồng.
Cũng như CTP, cổ phiếu KSV đã phát tín hiệu trở lại mạnh mẽ. So với vùng đáy ngắn hạn là 96.800 đồng/cp, mức giá hiện tại của KSV hiện đang cao hơn 35%. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này chỉ còn cách vùng đỉnh cũ 142.000 đồng/cp chưa tới 10%.
Ngược lại, top 10 mã giảm mạnh là ATS (-31,25%), VGS (-16,94%), TTT (-15,71%), BST (-13,07%), TTL (-11,21%), LAS (-11,00%), DTD (-10,70%), ITQ (-10,00%), DST (-9,84%), L40 (-9,72%).
Trong nhóm giảm mạnh, các cổ phiếu như VGS, LAS, DTD, DST có phần nổi bật hơn về mức thanh khoản. Xét về góc độ kỹ thuật, cả 4 cổ phiếu này đều cho tín hiệu tiêu cực khi có khả năng mất mốc hỗ trợ mạnh.
UPCoM: NXT bay cao, HES chìm sâu
Trên UPCoM, top 10 mã tăng mạnh nhất là NXT (+40,38%), BVN (+37,93%), TVA (+30,38%), VDG (+29,02%), CDR (+28,26%), PIV (+27,43%), VNI (+23,08%), VLG (+22,81%), DCF (+22,45%), LUT (+20%)
Ngược lại, top 10 mã giảm mạnh nhất là HES (-48,94%), DDH (-38,51%), IBD (-38,26%), GER (-37,98%), SPV (-36%), HFC (-28%), YBC (-27,14%), BBH (-27,42%), HCI (-26,52%), C92 (-25,49%).
Các cổ phiếu trên gần như không có thanh khoản và đa số bị hạn chế giao dịch, dẫn tới biến động mạnh trong tuần qua. Trong nhóm tăng mạnh, NXT là mã ghi nhận biến động lớn nhất. Cổ phiếu này đã tăng từ 5.160 đồng/cp lên 7.130 đồng/cp. Với 6,6 triệu cổ phiếu được lưu hành, vốn hóa của Công ty CP Sản xuất và Cung ứng Vật liệu xây dựng Kon Tum đạt gần 50 tỷ đồng.
Tại nhóm giảm mạnh, cổ phiếu HES của Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hà Nội có biến động lớn nhất. Mặc dù biến động mạnh về giá, tuy nhiên mã này gần như không được giao dịch trong nhiều tháng trở lại đây. Với gần 9,3 triệu cổ phiếu được lưu hành, vốn hóa của doanh nghiệp đạt hơn 225 tỷ đồng.
Các cổ đông nắm giữ trên 5% vốn doanh nghiệp này bao gồm: Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - Công ty TNHH, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen, Công ty TNHH Trí Thành và Công ty TNHH MTV Putaleng.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn