Nhiều ngân hàng chia cổ tức ở mức cao
Cụ thể, VIB vừa công bố loạt tài liệu cho ĐHĐCĐ thường niên 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 2/4. ĐHĐCĐ dự kiến sẽ nghe các báo cáo, thảo luận thông qua báo cáo và đề xuất của HĐQT và Ban Kiểm soát.
Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (CBNV) với tỷ lệ 0,44%.
Theo đó, ngân hàng này sẽ chia cổ tức theo hai đợt, lần thứ nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.
Việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 đã được ĐHĐCĐ VIB phê duyệt vào cuối năm 2023 và đã chi trả vào ngày 21/2/2024. Hiện vẫn chưa có đề xuất về thời điểm cụ thể chi trả cổ tức lần 2. Sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền, lợi nhuận còn lại của VIB là hơn 4.483 tỷ đồng.
Ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt, HĐQT VIB cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên Ngân hàng.
Nhiều ngân hàng chia cổ tức ở mức cao bằng tiền mặt và cổ phiếu. |
Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17%, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 4.312,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn 17,44%.
Tương tự, ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.
Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.
Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính.
Nam A Bank (mã NAB) sẽ tiến hành đại hội cổ đông vào ngày 29/3 tới trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2024 và kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh. Về kế hoạch tăng vốn, năm nay, Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn lên trên 13.700 tỷ đồng và mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Ngân hàng đã phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ 25%, qua đó, đưa vốn điều lệ từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 của Nam A Bank, cụ thể, Ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 3.145 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức trên 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng.
Cụ thể: tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận chưa phân phối) với hơn 2.645 tỷ đồng, tương ứng trên 264,5 triệu cổ phần; và tăng vốn từ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động của Nam A Bank (ESOP) là 500 tỷ đồng, tương ứng phát hành 50 triệu cổ phần.
HĐQT Nam A Bank cho biết, việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi đã thực hiện tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. HĐQT trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 giao HĐQT tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ.
Mục tiêu tăng vốn được nhà băng này cho hay, nhằm tăng cường năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động ngân hàng như mua sắm, đầu tư tài sản cố định; cải tiến cơ sở vật chất; nâng cao công nghệ ngân hàng; phát triển nguồn nhân lực..
Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có ngân hàng nói "không" với cổ tức trong năm 2024. Cụ thể, trong tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023, HĐQT ABBank cho biết, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2023 là 398,2 tỷ đồng.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 298,7 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là 1.542 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 1.840,7 tỷ đồng. HĐQT có đề xuất sẽ để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Trước đó, trong năm 2023, ABBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.530 tỷ đồng. Giai đoạn ba năm 2021 đến 2023, ngân hàng đều liên tục nâng vốn điều lệ.
Xem thêm tại baodautu.vn