Thông tin từ Đại hội đồng cổ đông, cả hai ngân hàng VietinBank và ABBank đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao, lên đến 16%, bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay.
Hé lộ chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Trong năm 2025, ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 16%, đạt 127.810 tỷ đồng và mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể con số 7,5% năm trước. Tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh linh hoạt tùy theo hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp trong từng giai đoạn.
Trong đó, ABBank sẽ tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để gia tăng lợi nhuận, với mục tiêu chiến lược là tăng tốc chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng tín dụng.
Theo ông Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc ABBank, hiện ngân hàng có nhiều thuận lợi trong ứng dụng các kênh số, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân, với nhu cầu sử dụng kênh số ngày càng tăng. Cùng với đó, hợp tác với các công ty fintech được ngân hàng triển khai tích cực ngay trong quý đầu năm, phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh.
Điều chỉnh chiến lược tín dụng, ABBank tập trung vào khách hàng vững mạnh "Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm vừa qua đạt 7,5%. Trong cấu trúc của tăng trưởng tín dụng, ngân hàng có sự điều chỉnh, ưu tiên những khách hàng doanh nghiệp chiến lược, có sự vững vàng trong nền kinh tế. Còn tăng trưởng khách hàng cá nhân gặp vấn đề nợ xấu lớn, ngân hàng đã tiến hành thu hồi nợ và dư nợ sụt giảm từ 56 nghìn tỷ xuống 43 nghìn tỷ" - lãnh đạo ABBank cho biết. |
Năm 2025, ABBank sẽ thiết kế các giải pháp tài chính chuyên biệt, đáp ứng nhu cầu từng phân khúc, tiếp đà thành công của chiến lược “am hiểu khách hàng” góp phần mang lại những kết quả kinh doanh tích cực của ABBank trong năm 2024.
Theo đó, tăng trưởng số lượng khách hàng mục tiêu năm vừa qua ở cả hai nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 7,17% và 4,81% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, việc cung cấp các giải pháp tài chính tiện ích, liên tục cải tiến nâng cao trải nghiệm của khách hàng với những tính năng thuận tiện trên ứng dụng ngân hàng số giúp quy mô giao dịch trên kênh số của ABBank ghi nhận sự tăng tăng trưởng tốt.
![]() |
Nguồn: Báo Tài chính - Đầu tư tổng hợp. |
Tại VietinBank, thông tin từ Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ ưu tiên các ngành thiết yếu trong định hướng tín dụng năm 2025 gồm điện, nước, lương thực, thực phẩm, chuỗi cung ứng tiêu dùng thiết yếu và tiêu thụ hàng hóa thiết yếu. Những lĩnh vực này được Chính phủ và NHNN ưu tiên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
"NHNN phân bổ hạn mức tín dụng cho VietinBank khoảng 15% năm 2025. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt thì mức tăng trưởng tín dụng của VietinBank có thể đạt trên 16%, huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng" - lãnh đạo VietinBank nhận định.
Về kết quả kinh doanh hiện tại, lãnh đạo VietinBank cho biết, tính đến ngày 15/4, dù mức độ hấp thụ tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao, song dư nợ tín dụng của VietinBank đã tăng 4,7%, đạt 1,8 triệu tỷ đồng.
Dự đoán ngành phục hồi và ngành gặp khó
Đánh giá về triển vọng các ngành hút tín dụng năm 2025, theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank Trần Minh Bình, thị trường bất động sản đang cho thấy những tín hiệu hồi phục sau giai đoạn thanh lọc mạnh, với nguồn cung sản phẩm và số lượng giao dịch tăng lên rõ rệt. Vì vậy, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vốn có liên hệ mật thiết với bất động sản, cũng đang phục hồi theo chiều hướng tích cực.
![]() |
Nhiều ngân hàng hé mở mục tiêu tăng tín dụng 16%, dốc lực cho nhiều lĩnh vực trọng tâm. Ảnh tư liệu. |
Mặt khác, một số ngành đang đối mặt với khó khăn. Đơn cử, ngành điện than có triển vọng tích cực chỉ trong ngắn hạn, vì về dài hạn, Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải. Còn ngành gỗ hiện đang chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ. Ngành dệt may có thể duy trì tình hình xuất khẩu ổn định sang Trung Quốc và EU, tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn do thuế suất cao. Đây là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp và sẽ ảnh hưởng đến chiến lược tín dụng của ngân hàng.
Dự đoán các mảng dẫn dắt tăng trưởng tín dụng "Tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp (chiếm 17,1% tổng dư nợ) sẽ được đẩy mạnh theo định hướng là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong 2025. Với xu hướng tiêu dùng và du lịch hồi phục, tăng cường thu hút và phát triển các công ty công nghệ, dữ liệu, dòng tín dụng cho các hoạt động khác chiếm 40,4% tổng dư nợ cũng sẽ là động lực thúc đẩy tín dụng quan trọng. Nhóm này cho thấy tốc độ hấp thụ tín dụng luôn cao hơn mức trung bình ngành trong 5 năm qua" - nhóm phân tích TPS đánh giá. |
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng 2025 mang tựa đề: "Tăng trưởng bền bỉ giữa áp lực kép", Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng đánh giá các mảng sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng trong 2025.
Về triển vọng thị trường bất động sản và đầu tư công, nhóm phân tích từ TPS kỳ vọng tín dụng vào ngành xây dựng (chiếm 7,7% tổng dư nợ) sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Trước đó, trong năm 2024, do các dự án bất động sản chủ yếu bị chững lại về mặt pháp lý, dòng tiền vào nhóm cho vay bất động sản kinh doanh chỉ tăng 23% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 35% của năm 2023.
"Với kỳ vọng thị trường bất động sản hồi phục, tín dụng cho vay bất động sản kinh doanh sẽ tăng trở lại, trong khi tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng sẽ duy trì mức tăng trưởng hiện tại" - Chứng khoán TPS đánh giá.
Ở chiều ngược lại, nhóm phân tích từ TPS cho rằng, các ngành nghề như thương mại, vận tải và viễn thông, chiếm tổng 28,2% tổng dư nợ tín dụng, có thể sẽ chậm lại trong 2025 do xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại và chính sách thuế của Tổng thống Trump./.