Nhiều ngân hàng tăng trưởng nhẹ, nhiều nơi đạt kỷ lục
Mới nhất, SHB đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025, với tổng tài sản hợp nhất của SHB đạt 790.742 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024, dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, tăng 7%.
Kết thúc quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả đạt được của cùng kỳ năm 2024.
Năm 2025, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.500 tỷ đồng, tăng trưởng 25%, tổng tài sản 832.000 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 46.000 tỷ đồng, cùng kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% và kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tiến tới chạm mốc 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản vào năm 2026. Như vậy, mức lợi nhuận quý I/2025 theo công bố đạt 30% kế hoạch cả năm.
Dù chưa công bố thông tin chính thức, nhưng tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngày 21/4/2025, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết, ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 1.630 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.530 tỷ đồng đạt được vào quý I/2024.
Năm 2025, MSB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Lợi nhuận mục tiêu là 8.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2024.
Còn tại ĐHĐCĐ vào ngày 18/4/2025, Lãnh đạo ABBank cho biết lợi nhuận ngân hàng đạt gần 400 tỷ đồng trong quý I/2025. Kết quả này tăng gấp đôi so với lợi nhuận trước thuế của quý I/2024. Lãnh đạo ABBank cũng nhận định, đây là con số có tính khả thi, bởi ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm 2025 tăng tới 131% so với thực hiện năm 2024 là 1.800 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ cùng ngày, Lãnh đạo VietinBank cho biết, đến ngày 15/4/2025, tổng tài sản VietinBank đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế quý I/2025 tăng khoảng 6% so với cùng kỳ 2024, ước tính khoảng hơn 6.100 tỷ đồng.
Cũng trong “câu lạc bộ” ngân hàng tăng trưởng nhẹ, báo cáo tài chính của LPBank ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 8,8% đạt 3.374 tỷ đồng. Với việc giảm được 7,6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận trước thuế của LPBank trong quý I/2025 đạt hơn 3.175 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2024.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng ghi nhận những mức tăng kỷ lục. Chẳng hạn, công bố sơ bộ củaSeABank về kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2025 cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử của ngân hàng này.
Tương tự, theo kết quả kinh doanh quý I/2025 mới được TPBank công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tương đương 26% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lãi quý I cao nhất lịch sử của TPBank và tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2024.
NamABank cũng ghi nhận lợi nhuận 1.214 tỷ đồng, tăng 21,52% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận quý I/2025 của NCB cũng chuyển từ lỗ thành lãi khi ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 125 tỷ đồng.
Nhưng ở chiều ngược lại, báo cáo tài chính quý I/2025 của PGBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế 96 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lợi nhuận dù kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng so với cùng kỳ năm 2024.
Mức giảm này cũng là chỉ dấu không mấy “vui” của PGBank khi ngân hàng này “tham vọng” với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2025 đạt 716 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với thực hiện năm 2024.
Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam, biên lợi nhuận ròng trung bình của các ngân hàng dự kiến cũng sẽ giảm xuống mức 3% và 2,7% trong năm 2025 và 2026.
Lợi nhuận giảm, các ngân hàng bắt buộc phải cải thiện danh mục đầu tư, nhất là danh mục đầu tư chứng khoán. Trong kế hoạch này, các ngân hàng lớn sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn nhờ danh mục đầu tư đa dạng.
Bà Ngọc cũng cho biết, những điểm sáng khác về phí ngân hàng đầu tư nhờ hoạt động mua bán và sát nhập (M&A), phát hành hay tập trung hoạt động thị trường vốn sẽ giúp ngân hàng cải thiện khiêm tốn thu phí dịch vụ nhất định.
Chuyên gia của Deloitte Việt Nam cho rằng, các ngân hàng có thể sẽ đặt ưu tiên hàng đầu vào việc tập trung tận dụng các đòn bẩy phù hợp để kiểm soát chi phí, lên kế hoạch hiện đại hóa công nghệ và giữ chân nhân tài chất lượng cao./.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn