Nhiều ngân hàng thay đổi nhân sự

Hàng loạt ngân hàng thay đổi nhân sự cao cấp

Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào cuối tháng 3/2024, đại hội thống nhất phân công ông Trần Ngọc Tâm, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng này. Bên cạnh đó, ông Trần Khải Hoàn, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc thường trực được bầu vào vị trí Quyền Tổng giám đốc Nam A Bank.

Nam A Bank mới niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh hơn 1 tỷ cổ phiếu với mã chứng khoán NAB với kỳ vọng tiếp cận nguồn vốn và đa dạng hóa nhà đầu tư, tạo động lực tăng trưởng trong thời gian tới. Một trong những mục tiêu kinh doanh của Nam A Bank năm 2024 là tăng vốn điều lệ thêm 3.145 tỷ đồng để đạt mức vốn 13.725 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Việc tăng vốn của ngân hàng này còn nhằm nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro. Năm 2024 Nam A Bank được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng là 13% - gần bằng bình quân mức tăng trưởng tín dụng toàn Ngành.

Một trường hợp thay đổi nhân sự khác đáng chú ý, NHTMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) ngày 26/3 đã thông báo bà Trần Thị Lâm xin thôi nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc vì lý do cá nhân, sau khi giữ vị trí này từ 19/5/2023. Ông Nguyễn Phú Minh, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028 của LPBank cũng đã có đơn xin từ nhiệm vì không đủ thời gian đảm nhiệm vai trò. Viet A Bank cũng đã công bố quyết định miễn nhiệm ông Cù Anh Tuấn khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc. Hôm 20/3, ABBank công bố quyết định miễn nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc ngân hàng. Trước đó, tháng 2/2024 ngân hàng này cũng miễn nhiệm một Phó Tổng giám đốc khác theo nguyện vọng cá nhân là ông Đỗ Lam Điền.

VietinBank - một ngân hàng nằm trong nhóm Big 4 cũng đã quyết định miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc Hoàng Ngọc Phương. Theo Quyết định 2339/QĐ-MTTW-BTT ngày 22/3 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Phương được tiếp nhận, bổ nhiệm Thư ký của ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện, Ban Điều hành của VietinBank còn 9 thành viên, trong đó ông Đỗ Thanh Sơn vẫn đang giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành và chưa có Tổng giám đốc. Ở Vietcombank hiện nay ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc đang giữ vị trí đại diện pháp luật của ngân hàng này sau khi Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Thống đốc NHNN từ 1/1/2024. Một số NHTMCP khác cũng đang kiện toàn bộ máy nhân sự ban điều hành trong tháng 4 này khi mùa đại hội cổ đông cao điểm của các ngân hàng…

Nhân sự thay đổi theo mục tiêu, chiến lược kinh doanh

Nhân sự cao cấp của các NHTMCP thay đổi thường gắn liền với sự thay đổi của các cổ đông và nhóm cổ đông lớn. Theo đó, có những lãnh đạo ngân hàng nghỉ sẽ kéo theo một số nhân sự cấp dưới sang ngân hàng khác, điều này tạo nên sự thay đổi "lòng vòng" nhân sự giữa các ngân hàng.

Một trường hợp khác trong thay đổi cổ đông lớn là các ngân hàng thực hiện mua bán và sáp nhập với nhà đầu tư nước ngoài, nhân sự cũng thay đổi theo yêu cầu và khẩu vị kinh doanh của cổ đông mới. Ngoài ra, mỗi ngân hàng trong mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ đều vạch ra chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tìm chọn nhân sự điều hành theo kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh doanh. Chẳng hạn, những năm gần đây phong trào chuyển đổi số phát triển như vũ bão, các NHTM thường đặt mục tiêu số hóa nhanh, điều này đòi hỏi sự tuyển chọn nhân sự điều hành và vận hành mạng lưới theo hướng công nghệ thông tin được chú trọng hơn.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank (ông Lân trước khi về VietinBank từng nhiều năm làm việc tại Ngân hàng OCBC Singapore) chia sẻ, khi được tuyển dụng về phụ trách một mảng số hóa của ngân hàng quy mô lớn như VietinBank thì phải đặt mục tiêu tìm kiếm nhân sự đồng hành với mình để phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, trường đào tạo về công nghệ và trường đào tạo về kinh tế thường tách biệt, nên những người làm phụ trách điều hành mảng công nghệ ngân hàng sẽ tìm nhân sự với ưu tiên có chuyên môn về kinh tế sau đó bổ sung thêm trình độ công nghệ sau. “Nhân sự ngân hàng phải có khả năng nhạy bén với kinh doanh, mới thiết kế ra sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dùng và xu thế vận động của thị trường đang số hóa mạnh mẽ hiện nay”, ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, xu hướng số hóa sản phẩm dịch vụ tài chính sẽ khiến nhân sự ngân hàng tiếp tục trẻ hóa đội ngũ theo nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng số. Tuy nhiên một trong những nguyên do nhân sự của ngân hàng ít thay đổi trong mùa đại hội năm nay là hoạt động của lãnh đạo chủ chốt trong ban điều hành ngân hàng, như vị trí tổng giám đốc hiện nay gắn liền với lượng cổ phiếu thưởng cho các vị trí này. Mà đa số nhân sự này đang nắm giữ cổ phiếu ưu đãi, chưa đến chu kỳ bán để rời khỏi ghế nóng.

Theo Hải Nam/thoibaonganhang.vn

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn